Hà Nội tổng kết Hiến pháp 1992: UBND thành tòa thị chính?

Hà Nội không chỉ là TP lớn trực thuộc trung ương mà còn là thủ đô của cả nước, với nhiều trải nghiệm thực tế trong mối quan hệ với các bộ, ngành trung ương, với Chính phủ, Quốc hội… và cả với các địa phương khác. Đây là cơ sở để Hà Nội tổng kết chi tiết, sâu sắc việc thực hiện Hiến pháp 1992, nhất là về các vấn đề của chính quyền đô thị, vốn được bàn tới nhiều trong thời gian qua. Đây cũng là nội dung chính được các chuyên gia và những cựu lãnh đạo thủ đô góp ý trong hội thảo tổng kết Hiến pháp 1992 do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 20-12.

Giám sát hình thức, chất vấn nhạt nhòa

Theo dự thảo báo cáo tổng kết của TP, địa vị pháp lý của HĐND và UBND các cấp thể hiện trong Hiến pháp 1992 vẫn như truyền thống trước đây, trao rất nhiều quyền hạn cho HĐND nhưng thực tế, quyền năng, các điều kiện vật chất, con người lại không cho phép HĐND đảm đương được trách nhiệm ấy, nhất là ở cấp xã. Thẩm quyền, nhiệm vụ trao cho ba cấp HĐND rất giống nhau, dẫn tới một vấn đề nhưng cả ba cấp cùng ra nghị quyết.

Giám sát là chức năng chính của HĐND nhưng thực hiện rất hình thức, không sâu và “còi cứ thổi mà xe cứ chạy”. Cơ cấu của HĐND còn rất bất cập, với tỉ lệ lớn là đại biểu kiêm nhiệm, nắm giữ chức vụ ở các sở, ngành, chính quyền các cấp. Hoạt động chất vấn vì thế rất nhạt nhòa. HĐND vừa là thể chế nhà nước, vừa là thể chế tự quản, nhưng do nhấn mạnh tính “quyền lực nhà nước” nên tính chất tự quản bị lấn át, không thực sự là đại diện của nhân dân địa phương.

Tương tự, UBND được xác định vừa là cơ quan chấp hành, vừa là cơ quan hành chính. Tuy nhiên, tính chấp hành rất hình thức, trong khi tính hành chính bị xem nhẹ bởi UBND hoạt động theo nguyên tắc tập thể. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các sở, ngành địa phương xảy ra tranh chấp thì không được giải quyết trên cơ sở tài phán mà bằng cơ chế hành chính - chính trị từ trên áp xuống. Điều đó không chỉ trái với các nguyên tắc pháp quyền mà còn gây lãng phí các nguồn lực xã hội và nhập nhằng, vô định, vô chủ trong quản lý nhà nước.

Hà Nội tổng kết Hiến pháp 1992: UBND thành tòa thị chính? ảnh 1

Theo ông Phạm Lợi, nguyên chủ tịch HĐND Hà Nội: Sửa Hiến pháp mà không coi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước thì đó là bước thụt lùi.Trong ảnh: Một buổi chất vấn của HĐND TP.HCM. Ảnh: HTD

Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Nhìn tổng thể, báo cáo của Hà Nội cho rằng mô hình chính quyền địa phương như hiện nay không phát huy được tính sáng tạo, chủ động của địa phương. Mô hình ấy cũng không đáp ứng yêu cầu ngày càng khác nhau giữa quản lý đô thị và quản lý nông thôn.

Với những đánh giá như vậy, Hà Nội đề nghị sửa Hiến pháp theo hướng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tỉnh - xã. Trong đó chính quyền đô thị chỉ tổ chức HĐND ở cấp TP, còn UBND đổi thành ủy ban hành chính hoặc tòa thị chính để nhấn mạnh tính hành chính. Ủy ban quận, phường chỉ là đại diện của cơ quan hành chính cấp trên đặt tại địa bàn. Ở các TP lớn, có thể áp dụng mô hình TP trong TP. Chính quyền nông thôn thì bỏ hẳn HĐND cấp huyện, coi ủy ban huyện chỉ là cấp hành chính trung gian. Riêng cấp xã vẫn giữ cơ cấu hoàn chỉnh, có cả UBND và HĐND.

Cơ cấu lại để HĐND thực sự đại diện cho dân

Phát biểu góp ý, ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, đồng tình với một số đánh giá. Tuy nhiên, ông cho rằng những yếu kém, hạn chế của HĐND, nhất là quận/huyện, phường/xã là do pháp luật, cơ chế chứ không bắt nguồn từ Hiến pháp. Ông nói: “Sửa Hiến pháp mà không coi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước thì đó là bước thụt lùi. Mấu chốt ở đây là phải cơ cấu lại thành phần HĐND để thực sự là đại diện cho dân, gắn với dân”.

Ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Nội vụ nhiệm kỳ trước, tán đồng với ông Phạm Lợi. Ông cũng cho rằng chưa thể chuyển sang hình thức dân chủ trực tiếp là cử tri bầu chủ tịch UBND. “Chúng tôi từng làm đề án thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, gần xong, chỉ còn trình QH mà phải dừng. Ta một đảng lãnh đạo, nhất là công tác nhân sự. Chuẩn bị tốt không sao, nhỡ dân bầu người ngoài đảng, không trong quy hoạch thì rất khó” - ông nói.

Tuy ủng hộ các đề xuất phân biệt chính quyền đô thị - nông thôn, song ông Tuấn cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc tách, nâng các TP thuộc tỉnh lên cấp trực thuộc trung ương. Ông nói: “Các nước chỉ có 2-3 TP thuộc trung ương. Lớn như Trung Quốc chỉ có bốn. Ta cứ xu hướng này có khi còn tách tiếp, không còn 63 tỉnh, thành như hiện nay. Mỗi lần tách lập tỉnh mới như vậy lại tốn kém hàng ngàn tỉ đồng”.

Cần tổng kết sự lãnh đạo của Đảng

Khác với các ý kiến trên, nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Văn Nghiên lại cho rằng nên mạnh dạn với dân chủ trực tiếp trong bầu cử. Ông phân tích: “Người được quy hoạch, được Đảng giới thiệu chắc chắn có nhiều hậu thuẫn hơn, sẽ có lợi thế tuyên truyền. Họ vẫn có thể trúng cử, và dù số phiếu chỉ đạt hơn 50% cũng nên coi là bình thường. Còn người tài ngoài Đảng, có năng lực quản lý mà dân tín nhiệm, thì Đảng ta đâu có hẹp hòi gì”.

Ông Nghiên còn đề nghị lần sửa Hiến pháp này nên làm rõ hơn về vấn đề Đảng lãnh đạo. “Lãnh đạo như thế nào, cái gì thì lãnh đạo, rõ ra thì mới giải thích được với dân. Càng rõ càng đàng hoàng được công luận” - ông Nghiên nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Nhuệ, người nhiều năm làm công tác tổ chức, từ chính quyền sang Thành ủy, rồi tham gia HĐND, đồng tình: “Vấn đề quan trọng nhất là tổng kết Đảng lãnh đạo thực hiện Hiến pháp thế nào. Hầu hết đại biểu HĐND là đảng viên. Làm rõ được thì mới thấy tại sao ngần đấy năm, chưa nơi nào HĐND bỏ phiếu tín nhiệm thành viên UBND như quyền hạn luật định”.

Sửa Hiến pháp lần này đặt trong bối cảnh Đảng nhấn mạnh hơn vấn đề phân quyền. Điều đó sẽ dẫn tới yêu cầu tăng cường tính tự quản trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Ban biên tập sửa Hiến pháp đang nghiêng theo mô hình chính quyền hai cấp, áp dụng cho cả đô thị và nông thôn. Còn về Điều 4 - vai trò lãnh đạo của Đảng, có người đề nghị giữ nguyên nhưng cũng có những đề nghị làm rõ hơn. Chúng tôi nghiên cứu hiến pháp một số nước, thấy nội dung này chi tiết hơn, 3-4 điều chứ không chỉ một như ta.

ÔngĐINH XUÂN THẢO, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Thường trực Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm