TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH “VÌ HỌC SINH TRƯỜNG SA THÂN YÊU”

Hết lòng vì ngôi trường cho đảo xa

Hôm nay (2-3), chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” do Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp với báo Pháp Luật TP.HCM phát động làm lễ tổng kết.

Góp rồi, góp nữa…

Khởi động từ tháng 8-2012, mục tiêu của chương trình là vận động 10 tỉ đồng xây dựng một trường học tặng huyện đảo Trường Sa. Chương trình dự kiến diễn ra trong vòng một năm nhưng được sự nhiệt tình hưởng ứng của các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước nên đã rút ngắn gần một nửa thời gian.

Đến cuối ngày hôm qua, anh Cường, Phó Chủ tịch Hội Tóc TP.HCM, nhắn tin cho phóng viên: “Em ơi, cho hội góp thêm một ít nữa. Của ít lòng nhiều, xin chuyển giùm tình cảm của anh em đến với các cháu ở Trường Sa nha!”. Trước đây, ngay khi nghe lời phát động của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng ban tổ chức chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, các thành viên Hội Tóc TP.HCM đã nhiệt tình hưởng ứng. Tối hôm qua, trong buổi giỗ tổ ngành tóc hai chữ Trường Sa lại được nhắc đến nhiều lần và không ai bảo ai, mọi người lại góp thêm lần nữa. “Buổi giỗ tổ nhằm tưởng nhớ tổ nghiệp, uống nước nhớ nguồn, nhớ những người đang đem lại bình yên cho chúng ta hằng ngày. Những công dân đang bám trụ ở các biển, đảo không nằm ngoài nỗi nhớ đó” - anh Cường nói.

Hết lòng vì ngôi trường cho đảo xa ảnh 1

Một bạn trẻ nhiệt tình mang sách đến góp vào thư viện cho học sinh Trường Sa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

“Vì đó là biển, đảo quê hương”

Ngay từ ngày đầu phát động chương trình, một doanh nhân đã ngỏ ý muốn cho chương trình mượn tiền để xây trường càng sớm càng tốt. “Xây trường cho các em là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Tụi nhỏ ngoài đảo còn khó khăn trong học tập ngày nào là lòng tui ngày ấy chưa yên được. Cảm ơn những người đã có ý tưởng xây trường cho các em ngoài đó” - ông bày tỏ.

Tuy nhiên, ban tổ chức chương trình muốn đón nhận trọn vẹn tấm lòng của bạn đọc trong và ngoài nước đến với các em ở Trường Sa một cách trực tiếp. Sau hôm đầu tiên phát động chương trình, một giáo viên hưu trí ở Tiền Giang đến gửi lương hưu tháng đó cho chương trình. Từng dạy các em nhỏ hiểu biết về đảo Trường Sa, mảnh đất xa xôi của Tổ quốc nhưng ông chưa một lần được đến thăm mà chỉ biết nơi này qua sách vở, các kênh thông tin. Ông chia sẻ: “Hôm qua thấy báo đăng tin, sáng sớm nay bà nhà gọi tôi dậy sớm để đón xe đò lên đây. Lúc vợ chồng tôi còn là giáo viên ở vùng sâu, học trò phần đông là con em những gia đình khó khăn, các em đi học cũng vất vả lắm. Tôi nhớ hình ảnh những ngày mưa tầm tã các em phải đội mưa đi học, đến được lớp người ướt hết. Ở Trường Sa xa xôi, các em học sinh cũng gặp muôn vàn khó khăn mà vẫn không bỏ học, vẫn vui tươi, hồn nhiên, tôi thương lắm!”. Liền sau đó, địa chỉ đóng góp tiếp tục có thêm Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Hết lòng vì ngôi trường cho đảo xa ảnh 2

Các em học sinh của Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) góp tiền ủng hộ chương trình. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhiều bạn trẻ ở các nhóm đội tình nguyện như nhóm Ước Mơ Xanh, đội SIFE (ĐH Ngân hàng), nhóm Panadox, nhóm Your Club, nhóm Người Việt Trẻ, nhóm Tủ sách Giáo dục… đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng chương trình. Rất nhiều luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, chị tiểu thương, anh xe ôm, các em học sinh, các cựu học sinh miền Nam… đã gửi những viên gạch hồng đến Trường Sa. Khi biết đến chương trình, các doanh nhân kiều bào, các du học sinh, các tổ chức tôn giáo trong, ngoài nước, mỗi người trong khả năng của mình đã đóng góp và vận động cộng đồng nơi mình sinh sống tham gia.

Để các em không bị thiếu sách

Một bất ngờ cho những người tổ chức chương trình là Quỹ Cộng đồng Internet Việt Nam VNIF đã làm một website www.vitruongsa.org kêu gọi cộng đồng hưởng ứng. Có ngôi trường khang trang thì phải có thư viện sách. Cuối năm 2012, đơn vị này đã tổ chức chương trình “Mỗi người một cuốn sách” nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay góp sách để làm thư viện cho học sinh Trường Sa.

Gần 12 tỉ đồng là tổng số tiền mà chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” đã nhận được tính đến chiều 1-3. Sau khi giao 10 tỉ đồng cho UBND huyện Trường Sa để xây trường học ngoài đảo, chương trình sẽ giao gần 2 tỉ đồng còn lại cho Quỹ học bổng Vừ A Dính để chăm lo cho các học sinh Trường Sa.

Bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, Giám đốc điều hành Quỹ VNIF, cho biết: “Nếu nhìn những hình ảnh bốn, năm đứa trẻ xúm xít đọc một cuốn sách, hay nghe các em tâm sự mơ ước trở thành cô giáo, lính hải quân trong tương lai góp phần xây dựng và giữ gìn đảo Trường Sa mới hiểu hết được ý nghĩa của việc đầu tư cho giáo dục, mà cụ thể ở đây là việc đọc sách. Ngoài việc quyên góp sách làm thư viện cho các em, quỹ còn tặng cho trường máy vi tính, máy hình, máy chiếu để phục vụ cho việc học tại đảo”.

Ôm sách đến với ngày hội từ sáng sớm, Nguyễn Thanh Huy, sinh viên năm ba Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, tâm sự: “Khi nghe một bạn trong nhóm từ thiện nói về chương trình “Mỗi người một cuốn sách” gửi đến các em học sinh Trường Sa, em ủng hộ ngay. Em đã từng tham gia nhiều chương trình làm từ thiện nhưng lần này em cảm thấy rất hào hứng và em đã kêu gọi tất cả các bạn mà mình quen biết tham gia. Từ những cuốn vở góp của các bạn sinh viên, bộ sách giáo khoa, những cuốn truyện tranh của em học sinh mà mình đang dạy kèm, em đều nhận hết để gửi các em Trường Sa”. Huy kể, lúc còn học lớp 2, mỗi tuần cô giáo tặng cả lớp một quyển truyện để đọc, đứa này đọc xong chuyền lại cho đứa khác. Đến lượt Huy là người cuối cùng và cũng là lúc quyển truyện ấy đã rách không thể đọc được, lúc đó Huy buồn quá chỉ biết khóc. Cô bảo các bạn lần sau phải công bằng, bạn nào đọc trước lần này thì lần sau đến bạn kia. Khi chương trình phát động, Huy hiểu rõ sách đối với các em học sinh quý như thế nào, mà đặc biệt là các em ở vùng biển, đảo xa xôi.

Muốn ở Trường Sa lâu hơn

Ngày cuối của đợt đóng góp, cô giáo Nhung từ Trường Sa cho biết đã có thêm những hộ gia đình trên đảo muốn đăng ký ở lại Trường Sa lâu hơn để cho con được học tại ngôi trường mới. Mấy ngày này, khi những hàng gạch xây trường càng ngày càng cao lên, cô càng nghe thêm nhiều lời bàn luận, nhiều câu hỏi của các em học sinh về ngôi trường tương lai. “Cứ mỗi giờ ra chơi là mấy em chạy xuống gần đó ngắm nghía, chỉ trỏ bàn tán sôi nổi lắm chị ạ. Nào là lớp của mình, lớp của bạn sau này sẽ nằm ở chỗ nào; rồi chỗ nào trồng cây, chỗ nào đặt đu quay chơi; rồi trường mình sẽ có tên, có cổng đóng ra đóng vào chứ không phải như bây giờ…”.

Trong dạt dào tiếng sóng biển, Quỳnh Hương (học sinh lớp 3) cho biết hạt cây tra em ươm đã nảy mầm rồi, chỉ khoảng một tháng nữa là em sẽ mang vào trồng trong sân trường. Cũng giống như em, bạn Chinh Si, Phương Anh đang ươm hạt cây bàng để “xí chỗ” trồng ở một góc trường. Qua điện thoại, giọng một em hỏi: “Cô Nhung sẽ trồng cây gì trong trường mình vậy?”. “Cô sẽ trồng toàn chuối để có trái cho tụi con ăn, có bẹ cho tụi con chơi”. Giọng cô trò véo von trong sóng và gió.

Cảm ơn những tấm lòng

Hôm qua, các thợ xây về quê ăn tết Nguyên đán vừa ra tới nơi đã tiếp tục xây trường để đảm bảo bàn giao trường đúng tiến độ, chất lượng. Dự kiến cuối tháng 4, Trường Tiểu học Trường Sa sẽ được xây xong. Ngôi trường góp phần khẳng định thêm chủ quyền bền vững của chúng ta trên đảo. Cơ sở trường học tương đối khang trang lần đầu tiên có ở Trường Sa giúp cho các cháu có nơi học tập, vui chơi tốt, tạo điều kiện cho các cháu được phát triển toàn diện. Đồng thời, ngôi trường mới sẽ giúp cho cha mẹ các cháu yên tâm phục vụ công tác tại đảo, tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên ra đảo, nâng cao chất lượng học tập tại Trường Sa.

Hết lòng vì ngôi trường cho đảo xa ảnh 3

Ngày 20-10-2012, tại đảo Trường Sa Lớn đã làm lễ khởi công công trình. (Ảnh do Đại đức Thích Ngộ Thành cung cấp)

Chúng tôi rất xúc động và xin gửi lời cảm ơn những tấm lòng của đồng bào trong và ngoài nước dành cho Trường Sa.

Ông NGUYỄN VĂN THẮNG, Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (Khánh Hòa)

THANH MẬN - NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm