Hiện đại hóa tàu cá giúp ngư dân bám biển

Ngày 8-8, tại TP Nha Trang, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 22/2006 của Thủ tướng Chính phủ và công tác tổ chức tổ, đội sản xuất trên biển. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập đến việc giúp ngư dân ra khơi bám biển nhiều ngày, có hiệu quả, đồng thời khẳng định chủ quyền trong việc chiếm lĩnh các ngư trường thuộc chủ quyền quốc gia.

Tai nạn chủ yếu do tàu cá cũ nát

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2007 đến năm 2012, cả nước xảy ra hơn 4.500 vụ tai nạn tàu cá trên biển, trong đó sự cố hỏng
máy, vỏ tàu chiếm đến 63%. Nguyên nhân chính của tai nạn tàu cá trên biển đó chính là do tình trạng tàu cá còn cũ nát. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng để giảm thiểu tỉ lệ tai nạn, một trong những hướng quan trọng nhất đó là hiện đại hóa tàu cá. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp hữu hiệu cho việc giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường dài ngày và đây cũng là chính sách để bảo vệ chủ quyền về biển, đảo hiệu quả nhất.

Đồng tình, đại biểu Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: Muốn làm được việc này cần có sự đồng thuận lớn từ Nhà nước đến các ban, ngành và cả ngư dân. “Hiện nay, việc đánh bắt nhỏ lẻ, cộng thêm phương tiện đánh bắt còn thô sơ, chưa đáp ứng được việc bám biển dài ngày, hệ lụy là năng suất đánh bắt kém hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần tập trung vào việc đóng các tàu lớn, hình thành các đội tàu có sự gắn kết nhất định để bám biển” - ông Phó nói.

Hiện đại hóa tàu cá giúp ngư dân bám biển ảnh 1

Hiện đại hóa tàu cá giúp ngư dân bám biển là vấn đề rất cấp thiết. Ảnh: LÊ XUÂN

Ông Phó cũng cho rằng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, nếu đòi hỏi ngư dân tự lực đóng các tàu có công suất lớn để đánh bắt là khó khả thi. Vì vậy cần có chính sách Nhà nước hỗ trợ tiền lãi vốn vay, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu.

Đã thí điểm ở Quảng Ngãi

3.500 là số lượng tổ hợp tác/tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển (với trên 21.400 tàu) tính đến cuối tháng 7-2012, tăng 1.500 tổ (hơn 75%) so với tháng 6-2011.

Theo ông Vũ Văn Tám, việc hiện đại tàu cá cho ngư dân đã nằm trong chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai thí điểm hiện đại hóa tàu cá ở Quảng Ngãi. Sau đó, Bộ sẽ nhân rộng mô hình này ra cả nước.

“Thực tế hiện nay, ai cũng muốn hiện đại hóa tàu cá nhanh. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa tàu cá liên quan đến rất nhiều vấn đề. Mặt khác, chúng ta phải tính toán việc hiện đại hóa đội tàu sao cho phù hợp, tránh việc đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả. Song song với đó là đầu tư về con người, những người trực tiếp khai thác phải có kiến thức, tay nghề vững vàng để sử dụng các trang thiết bị hiện đại, từ đó việc hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ mới có hiệu quả cao nhất” - ông Tám nói.

Cũng theo ông Tám, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai mô hình hậu cần sản xuất trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, cần nhân rộng và phát triển các mô hình hậu cần nghề cá để giúp ngư dân có được các dịch vụ như đang ở trên đất liền. “Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020, trong chiến lược về hạ tầng, Bộ sẽ thành lập năm trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn trên cả nước, nhằm đáp ứng cho việc giúp ngư dân bám biển dài ngày” - ông Tám cho biết.

Muốn sống được với nghề đánh bắt thủy, hải sản xa bờ, ngư dân phải hội tụ được nhiều yếu tố. Phải có ngư trường đánh bắt ổn định, phải làm sao cho ngư dân yên tâm bám biển trong tình hình biển Đông đang có nhiều phức tạp.

BÙI THỊ ANH VÂN, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
tỉnh Ninh Thuận

Chúng ta phải tính đến việc hiện đại các tàu vỏ gỗ bằng các vật liệu như thép, composite… vừa an toàn, vừa tăng hiệu quả, chất lượng khi bảo quản hải sản dài ngày. Phải nhân rộng mô hình tàu hậu cần trên biển để ngư dân an tâm khi đánh bắt xa bờ, tránh việc phải bỏ dở ngư trường khi đang đánh bắt.

Ông ĐÀO HỒNG ĐỨC, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và
Bảo vệ  nguồn lợi thủy sản

LÊ XUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm