Hiến pháp mới: Bước tiến về quyền con người

Ngày 9-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp (HP) nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi và Nghị quyết của QH quy định một số điểm thi hành HP sửa đổi. Theo đó, HP sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 được đánh giá là bước tiến về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân

Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, kết quả thông qua HP sửa đổi với tuyệt đại đa số đại biểu QH biểu quyết tán thành chứng tỏ rằng bản HP này thể hiện ý Đảng, lòng dân. “Lần đầu tiên trong HP chúng ta viết hoa chữ “Nhân dân”. Với bản HP này, chúng ta tiếp tục nâng lên một bước vai trò của Nhân dân. Bản HP sửa đổi khẳng định quyền làm chủ, chủ quyền của Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân…” - ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, nội dung HP sửa đổi quy định cụ thể hơn các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (không chỉ thông qua QH và HĐND như HP 1992).

Hiến pháp mới: Bước tiến về quyền con người ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: VV Thành

Đề cập đến quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, ông Lý cho hay việc đưa từ các quy định liên quan từ chương V lên chương II là một bước tiến lớn. Bởi không phải dễ dàng để thay đổi nhận thức về điều này, nhất là khi một thời gian dài khái niệm quyền con người ở Việt Nam có những thang bậc phát triển khác nhau, có thời còn hạn chế sử dụng khái niệm này. Đến HP năm 1992 chỉ quy định chung, còn lần này đã quy định rõ ràng và minh bạch rằng “Nhà nước tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Sẽ có luật về biểu tình

Cũng đề cập đến ý nghĩa của sự thay đổi trên, tại cuộc tọa đàm “Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo quy định của HP sửa đổido Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ phối hợp với báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức ngày 9-12, TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, cho rằng HP sửa đổi đã thể hiện một tư duy mới trong lĩnh vực này chứ không chỉ là việc thay đổi vị trí của chương.

“Trước đây, chúng ta nghĩ rằng Nhà nước định ra những quyền gì thì người dân được hưởng quyền đó. Còn trong HP này, chúng ta đã chuyển sang cơ chế mới: Quyền thuộc về người dân, nghĩa vụ thuộc về Nhà nước. Khi chúng ta thay đổi tư duy thì đồng nghĩa Nhà nước đã tự hạn chế quyền của mình…” - ông Thái nói.

Về một số quyền cơ bản như quyền biểu tình, hội họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phân tích: Nếu theo HP 1992, những quyền này phải “theo quy định của pháp luật” thì lần này HP đã quy định công dân có quyền đó, không phải chờ đến luật và pháp luật nữa. “Luật sẽ quy định trình tự, thủ tục tạo điều kiện cho công dân thực hiện các quyền này. Hạn chế quyền này phải bằng luật” - ông Lý nhấn mạnh. Ông Lý cũng cho biết các luật về biểu tình, lập hội lâu nay bị đưa ra, đưa vào vì nhiều ý kiến khác nhau và do chất lượng chưa đạt. “Theo yêu cầu của HP lần này, các luật ấy sẽ có” - ông Lý khẳng định.

Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật

Để HP sửa đổi sớm đi vào cuộc sống thì vấn đề sớm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với các quy định về quyền con người, quyền công dân.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng hết sức quan trọng là đảm bảo nâng cao khả năng tiếp cận quyền của người dân. HP, pháp luật đã ghi nhận các quyền cơ bản nhưng khả năng người dân có thể tiếp cận, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền của mình hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau cũng như phụ thuộc mức độ hiểu biết, cơ chế, thủ tục bảo đảm thực thi các quyền. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của HP sửa đổi đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để bảo đảm thực thi.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp

HOÀNG THẾ LIÊN

Pháp luật chỉ là điều kiện cần

Có luật chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có một bộ máy trong sạch, có đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của dân.

Muốn đưa chương 2 của HP vào cuộc sống thì phải làm sao để Nhà nước trong sạch, thậm chí là trong suốt, phải công khai, minh bạch để người dân có thể nhìn thấy mọi hoạt động của Nhà nước và song song với đó là giáo dục hệ thống công chức thực sự là công bộc của dân.

TS CAO ĐỨC THÁI

Điều 14 Hiến pháp sửa đổi

1. Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo HP và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

THÀNH VĂN-THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm