80 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28-01-1941 – 28-01-2021)

Hồ Chí Minh - Người của đổi mới

LTS: Hôm nay, đúng 80 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (28-01-1941 - 28-01-2021). PLO xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Vũ Trung Kiên, Học Viện Chính trị Quốc gia khu vực II, về những đặc sắc trong tư duy đổi mới của Bác. 

***

Hồ Chí Minh là một nhà chính trị, nhà tư tưởng với những tư duy đổi mới vượt thời đại. Những tư tưởng đổi mới của Hồ Chí Minh sẽ còn làm cho giới nghiên cứu mất rất nhiều thời gian và giấy mực. Song, một trong những vấn đề quan trọng là chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì chúng ta học được những gì từ tư duy đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ về thăm lại Pác Bó Cao Bằng. Ảnh: Ban Quản lý Lăng

1. Đổi mới trong lựa chọn con đường cứu nước

Khi bàn về tư duy đổi mới của Hồ Chí Minh không thể không nhắc tới thân phụ của người - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhà Nho, bản thân cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), thế nhưng cụ lại không hướng con trai của mình trau dồi thi thư, học hành đỗ đạt để làm quan như tư tưởng chung của những người thấm nhuần đạo Khổng.

Ngược lại, cụ ủng hộ Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp. Khi đem con trai của mình gửi cho người bạn là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (thân sinh của bác sỹ, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch) ở quy Nhơn, Bình Định và chỉ học mỗi môn tiếng Pháp. Như vậy, cụ Nguyễn Sinh Sắc có thể đã hiểu chí lớn của con trai mình và ngầm ủng hộ. Việc học tiếng Pháp của Nguyễn Tất Thành rất quan trọng vì đây là điều kiện thuận lợi để Người đi sang phương Tây, mà trực tiếp là nước Pháp, đất nước đang đô hộ Việt Nam khi ấy.

Khi ấy, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục các bậc cha chú của mình như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám… nhưng Người lại không đồng tình với con đường cứu nước của các sĩ phu đáng kính ấy. Nước Pháp là quê hương của câu khẩu hiệu nổi tiếng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.

Vì vậy, Nguyễn Tất Thành muốn tới tận nơi để xem ẩn đằng sau câu khẩu hiệu mỹ miều ấy là gì. Hiểu điều này ta sẽ rất dễ giải thích vì sao khi lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp, Nguyễn Tất Thành đã xin vào học Trường thuộc địa của Pháp. Louis Pasteur chẳng từng nói rằng: “Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc”.

Đến nước Mỹ, trước Tượng Nữ thần Tự do, Nguyễn Tất thành đã không ngước nhìn lên như những người khác, Người nhìn xuống chân Tượng nữ thần Tự do và ghi: "Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?".

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941. Ảnh: hochiminh.vn

2. Đổi mới, sáng tạo trong phương pháp cách mạng

Nguyễn Ái Quốc khẳng định cách mạng muốn thắng lợi trước hết phải có Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III của Lênin.

Trong Học thuyết về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân của V.I.Lênin thì đảng cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. Thế nhưng Nguyễn Ái Quốc cho rằng, luận điểm này chỉ đúng với các nước phương Tây, khi giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng chính trị độc lập, được lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn đường.

Các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam khi ấy đang bị chủ nghĩa thực dân thống trị, nền kinh tế hết sức lạc hậu, què quặt, công nghiệp gần như chưa phát triển, giai cấp công nhân tuy đã ra đời và sống khá tập trung song còn nhỏ bé, chưa đại diện cho toàn bộ phong trào dân tộc.

Chính từ nhận thức đổi mới và sáng tạo ấy, Nguyễn Ái Quốc đã định hướng đúng đắn cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. 

Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa theo quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản là đối tượng mà giai cấp vô sản cần đánh đổ trong cách mạng dân tộc.

Thế nhưng, khi thành lập Đảng đầu năm 1930, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được"; "Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung".... 

Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"…

Ngay sau khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với tư tưởng xuyên suốt là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sức mạnh của lòng dân và tập trung xây dựng lực lượng chính trị bằng tổ chức Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Đường lối của Mặt trận Việt Minh là quy tụ tất cả các giới đồng bào vì mục tiêu chung là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đó chính là lý do mà năm 1945, khi Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có hơn 5 nghìn đảng viên nhưng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại. Đó thật sự là cuộc cách mạng kết tinh sức mạnh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo bằng đường lối đúng đắn từ tư duy đổi mới, sáng tạo của Hồ Chí Minh.

Pác Bó cội nguồn cách mạng. Ảnh: KH&CN Cao Bằng

3. Tư duy đổi mới trong các lĩnh vực đời sống chính trị và xã hội

Là một nhà lãnh đạo với tư duy đổi mới và thực hành, Hồ Chí Minh quan tâm tới những vấn đề cụ thể, thiết thực. Đọc các bài viết, bài nói của Người, chúng ta thấy rõ một tư duy nổi bật là hầu như tất cả chẳng hề theo một khuôn mẫu sẵn có nào. Những gì phức tạp thì Người làm cho nó đơn giản đi, những gì đã đơn giản rồi thì Người làm cho nó càng đơn giản hơn nữa. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã lo lắng đến sự tha hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi đảng trở thành đảng cầm quyền.

Trong Thư gửi UBND các kỳ, huyện, tỉnh và làng cuối năm 1945, Hồ Chí Minh đã liệt kê ra rất nhiều những biểu hiện tha hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà soi chiếu với hôm nay chúng ta không khỏi không giật mình về nhãn quan chính trị, mẫn cảm và tầm dự báo chiến lược sâu xa của người.

Hồ Chí Minh cho rằng tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Vì vậy, phải thực hiện làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Và, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Từ tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nói đến tư tưởng kinh tế mới của Lênin. Hồ Chí Minh cũng là người từ rất sớm thấy vai trò của giới công thương trong phát triển kinh tế. Chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, trong lịch tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, Người xếp thương giới ở hàng thứ năm, trước cả công chức, nông hội.

Là người có tư tưởng mới về văn hóa từ rất sớm. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go quyết liệt, Người đã giành công sức viết tác phẩm Đời sống mới với những tư tưởng đặc biệt mới: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.

Cũng trong năm ấy, để giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa những biểu hiện tha hóa trong đội ngũ, Người đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947) với rất nhiều nội dung chứa đựng tư tưởng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền một cách toàn diện, sâu sắc và vẫn mang tính thời sự nóng hổi trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ quan tâm đến việc trồng người, Người còn đặc biệt quan tâm đến việc trồng cây, bảo vệ môi trường. Hơn 60 năm trước, khi ô nhiễm môi trường chưa trở thành vấn đề bức xúc như hiện nay, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây với mục đích để bảo vệ môi trường sống.

Kể từ bản Di chúc viết lần đầu năm 1965 đến bản cuối cùng năm 1969, Hồ Chí Minh đã nhiều lần sửa chữa, viết thêm, bổ sung. Như vậy có thể thấy nếu Hồ Chí Minh sống ở thời đại của chúng ta hôm nay thì Người chính là người đầu tiên đổi mới. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây chính là điều chúng ta đang học từ tư duy đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm