Hội nghị toàn quốc về môi trường: Người bệnh, cá tôm chết vì… khu công nghiệp

“Nước chảy tràn từ khu công nghiệp (KCN) ra đồng ruộng làm gia cầm và thủy sản chết hàng loạt. Người dân làm ruộng trong vùng bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiếp xúc thường xuyên với nước thải từ KCN, điển hình là bệnh lở loét chân tay và một số bệnh về da liễu” - kỹ sư Nguyễn Văn Thùy ở Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, nêu thực trạng đáng sợ này tại hội nghị về quản lý môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 17-11.

Nước thải chảy tới đâu, cá tôm chết tới đó

Ông Thùy dẫn chứng: Thiệt hại cho người dân do ô nhiễm môi trường từ KCN đã được chỉ rõ qua hàng loạt ví dụ từ thực tế. Năm 2009, tại KCN Phố Nối (Hưng Yên), do nhiều doanh nghiệp (DN) xả nước thải trực tiếp ra môi trường, sông Bắc Hưng Hải và sông Bần và hệ thống kênh mương, hồ trong khu vực đã không có khả năng tưới tiêu cho nông nghiệp. Nước chảy đến đâu, cá tôm chết nổi đến đó, cây trồng cũng héo rũ, một diện tích đất canh tác lớn đã bị bỏ hoang.

Tương tự, trong vụ đông xuân năm 2007, hơn 120 ha ruộng của phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) không thể gieo cấy vì nước thải của KCN Hòa Khánh tràn ra các thửa ruộng. Ở KCN Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam), trong năm 2006-2007, toàn bộ nước thải của KCN xả trực tiếp ra môi trường khiến người dân xung quanh phải gánh chịu. Nước sông Ngân Hà trở nên đen kịt, tôm cá chết hàng loạt. Trạm bơm Tứ Câu gần như ngừng hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm không thể tưới tiêu cho gần 200 ha ruộng của Điện Ngọc.

Hội nghị toàn quốc về môi trường: Người bệnh, cá tôm chết vì… khu công nghiệp ảnh 1

Các KCN cần vận hành hệ thống xử lý nước thải đều đặn chứ không phải vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có đoàn kiểm tra. Ảnh minh họa: Hữu Luận

Theo ông Thùy, hiện có khoảng 70% số nước thải của KCN xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Tập trung chủ yếu dọc các đoạn sông chảy qua các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi các KCN phát triển mạnh. “Hiện có gần 60% KCN chưa có trạm xử nước thải tập trung. Đáng nói là nhiều KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng lại không cho hoạt động hoặc nếu có thì cũng không đạt chuẩn” - ông Thùy ngao ngán.

Chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra

2,5 tỉ đồng là số tiền đề nghị xử phạt đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, chín tháng đầu năm nay Bộ TN&MT đã kiểm tra, thanh tra 53 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lập biên bản vi phạm với 23 cơ sở, chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt với số tiền đề nghị xử phạt trên 2,5 tỉ đồng.

ề nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường ở KCN, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nhấn mạnh: “Ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại một số DN còn thấp. Tình trạng xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải để đối phó với cơ quan chức năng còn phổ biến. Cụ thể, chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra”.

Báo cáo của Tổng cục Môi trường cũng chỉ rõ một số địa phương để kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Một số bộ, ngành, địa phương thiếu chủ động, thậm chí không quan tâm đến việc tổ chức xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Còn có sự ỷ lại và đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xử lý ô nhiễm triệt để.

“Công tác thanh tra, kiểm tra môi trường KCN chưa làm rõ được hành vi, mức độ gây ô nhiễm của các DN. Công tác giám sát nguồn thải từ các KCN chưa được thực hiện. Mức phí bảo vệ môi trường còn thấp hơn nhiều so với chi phí thu gom và xử lý chất thải, tỉ lệ DN đóng phí còn thấp. Các chế tài xử phạt, chưa đủ mức răn đe. Mức xử phạt thấp hơn nhiều so với chi phí xử lý chất thải, dẫn đến nhiều DN chấp nhận bị phạt và tiếp tục gây ô nhiễm” - ông Thùy chỉ rõ, đồng thời kiến nghị cần công khai vi phạm về môi trường của các KCN, DN trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sức ép đối với các DN này.

Dự phòng sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên

Quá trình triển khai thi công dự án khai thác bauxite tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã được các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Tuy nhiên, bài học từ sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary đã cảnh báo cho các bộ, ngành trung ương và các địa phương vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác bauxite.

Ngoài ra, trong điều kiện biến đổi khí hậu với xu hướng bất lợi như hiện nay, đòi hỏi chủ đầu tư phải rà soát lại đồ án thiết kế, giám sát chặt chẽ các biện pháp thi công. Trong tính toán phải có dự kiến về sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ để xây dựng các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Ông HUỲNH VĂN CHÍN, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm