Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mất công bằng trong y tế

Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chính sách chậm thay đổi

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, hiện tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau: xu hướng muốn thị trường hóa toàn bộ các dịch vụ y tế, xóa bỏ toàn bộ bao cấp của nhà nước và xu hướng muốn tiếp tục bao cấp toàn diện. Điều này khiến Chính phủ lúng túng trong chỉ đạo phát triển y tế. Chính sách viện phí ban hành từ 1995 đến nay đã 13 năm vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong khi điều kiện kinh tế xã hội có rất nhiều thay đổi. Mức hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi... còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu chi thực tế...

Đoàn giám sát của UBTVQH chỉ ra thêm: Trong cùng một bệnh viện nhà nước, người có tiền được chăm sóc chu đáo hơn; cùng là bác sĩ nhưng nếu làm việc ở bệnh viện tuyến trên thì thu nhập cao hơn nhiều so với làm việc ở y tế dự phòng cũng như ở bệnh viện tuyến dưới. Mức độ hưởng thụ thành quả xã hội hóa chăm sóc sức khỏe có sự cách biệt xa giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi.

Cổ phần hóa: Chưa chắc dân “được nhờ”

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng chính sách phòng bệnh hơn chữa bệnh thể hiện trong nhiều văn bản luật, nghị quyết nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm đầu tư chứ chưa quy định tỷ lệ hay lộ trình cụ thể về ngân sách. Tại nhiều tỉnh, tỷ lệ ngân sách cho y tế dự phòng chỉ đạt 10%-15%. Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì ít nhất phải là 30%. “Trong 5-10 năm tới, nếu không thay đổi cơ chế pháp lý và đầu tư nguồn lực, hoạt động y tế dự phòng sẽ ngày càng sa sút trầm trọng về kinh phí và cán bộ. Nếu y tế dự phòng vẫn được đầu tư theo kiểu chống dịch là chính thì sẽ khó có khả năng đảm bảo an toàn sức khỏe cho xã hội” - bà Mai nhấn mạnh.

Bản báo cáo giám sát của UBTVQH cũng nhấn mạnh đánh giá của WHO năm 2004 khi xếp Việt Nam đứng thứ 183/194 nước về mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Lý do là người dân phải tự chi trả 73% chi phí cho chăm sóc sức khỏe qua việc chi trả viện phí và tự mua thuốc chữa bệnh (theo khuyến cáo WHO tỷ lệ nên là 50%). Việc nhà nước duy trì tốc độ đầu tư hạn chế trong khi đẩy mạnh liên kết liên doanh tại bệnh viện công - thực chất là cổ phần hóa từng phần dịch vụ tại bệnh viện công sẽ dẫn đến việc mức tự chi trả của dân có thể lên cao hơn 70%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng không nên cổ phần hóa bệnh viện nhà nước vì làm thế sẽ rất phức tạp cho công tác quản lý, làm phân biệt các chế độ chăm sóc sức khỏe người bệnh ngay trong một bệnh viện. Tuy nhiên, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên lại cho rằng nên để các bệnh viện nhà nước đầu tư dịch vụ cao, tăng thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ để bệnh viện không bị chảy máu chất xám.

Báo cáo giám sát trên sẽ được QH thảo luận tại kỳ họp tới.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm