KHÔNG GHI ĐẶC TRƯNG “CÔNG HỮU” VÀO CƯƠNG LĨNH 2011

Kết quả của tranh luận thẳng thắn

Kết quả của tranh luận thẳng thắn ảnh 1
PGS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ Biên tập Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội XI (ảnh), kể:

Vấn đề “công hữu” hay không “công hữu” đã bàn cãi hàng chục năm rồi, kể cả khi Cương lĩnh 1991 khẳng định đó là đặc trưng kinh tế của CNXH. Quy tụ lại có ba nhóm quan điểm: Công hữu là đặc trưng bản chất, là mục tiêu của CNXH; hay chỉ là phương tiện, có thể điều chỉnh qua từng giai đoạn phát triển; hoặc vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu.

Đến Đại hội X năm 2006, tổng kết 20 năm đổi mới, đa số cho rằng thể hiện như Cương lĩnh 1991 là cứng, khó vào lòng dân vì dân đã quá “ấn tượng” với công hữu hóa, tập thể hóa kiểu như đã làm. Vì vậy, Đại hội X diễn đạt lại đặc trưng kinh tế của CNXH là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp”.

Nhưng điều chỉnh ấy gây nhiều phản ứng, thậm chí có ý kiến cho rằng Đại hội X “thụt lùi về lý luận” so với Cương lĩnh 1991. Quan điểm đó tác động mạnh vào quá trình xây dựng Cương lĩnh 2011.

Ý kiến khác nhau nhiều

. Dự thảo Cương lĩnh 2011 đã được Trung ương thảo luận nhiều lần, đưa xuống đại hội các cấp lấy ý kiến và công bố cho nhân dân góp ý. Trong quá trình ấy, vấn đề “công hữu” được đóng góp thế nào?

+ Trung ương khóa X thì từ Hội nghị 10 đã bắt đầu thảo luận rồi nhưng ý kiến rất khác nhau. Xuống đại hội các cấp thì đều đồng ý giữ nguyên như Cương lĩnh 1991. Tổng hợp ý kiến nhân dân thì thấy những ý kiến gai góc thường không đồng tình với “công hữu”. Thế nhưng bên cạnh việc lấy ý kiến nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương còn tiến hành một khảo sát xã hội học 3.000 phiếu và kết quả quá bán đồng ý với đặc trưng “công hữu”.

Sau khi có tổng hợp góp ý của các đảng bộ địa phương, tổng hợp ý kiến nhân dân, Hội nghị Trung ương 14 quyết định biểu quyết. Phương án giữ “công hữu” được 55,06%.

Kết quả của tranh luận thẳng thắn ảnh 2

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XI. Ảnh: TTXVN

. Lúc ấy, ông có nghĩ vấn đề này sẽ còn phải ra đại hội biểu quyết tiếp không?

+ Theo dõi quá trình thảo luận các văn kiện, tôi đoán ra đại hội sẽ phải biểu quyết ba vấn đề: đặc trưng kinh tế của CNXH; tên gọi của Cương lĩnh 2011; thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Ra đại hội thảo luận, vấn đề thứ ba thống nhất rất cao nên Đoàn Chủ tịch thấy không cần giải trình, biểu quyết.

“Ngòi pháo” Võ Hồng Phúc

. Vậy ông nghĩ thế nào về “phát pháo” Võ Hồng Phúc?

+ Thảo luận ở tổ thì dù có tranh luận sôi nổi cũng chỉ trong hơn 20 người với nhau thôi. Còn ra phiên họp toàn thể, phát biểu của anh Phúc có tác động tới toàn thể 1.377 đại biểu. Nhưng “cân” lại đã có phát biểu của anh Lê Hữu Nghĩa - nhà lý luận kỳ cựu của Đảng (ông Lê Hữu Nghĩa là Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - PV).

Vì thế, tôi cho rằng vai trò quyết định phải là phát biểu của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy trước lúc biểu quyết. Vào phút 89 ấy, anh Thúy lập luận mạch lạc, khúc chiết theo hướng không lấy “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu” làm đặc trưng kinh tế của CNXH. Phát biểu ấy chắc chắn tác động rất lớn tới quan điểm, lựa chọn của các đại biểu.

. Đây là tình huống khá thú vị trong Đại hội XI, thể hiện không khí thảo luận rất dân chủ. Nhưng giả sử không có phát biểu của ông Võ Hồng Phúc thì sao, thưa ông?

+ Tôi cho rằng vấn đề này anh Phúc không phát thì sẽ có người khác phát. Như bạn thấy, sau đó đã có anh Thúy, anh Lịch và cả “phản pháo” của GS Lê Hữu Nghĩa. Nhưng nếu không có phát biểu của những người ấy thì thật không đoán được. Giải trình của Đoàn Chủ tịch khi ấy theo ý: Vấn đề chưa được làm rõ thì không sửa, tức giữ nguyên như Cương lĩnh 1991!

Chưa thể có thay đổi lớn

. Vấn đề nhiều người quan tâm là điều chỉnh này sẽ tác động thế nào tới quá trình xây dựng chính sách tới đây?

+ Tôi dám chắc là chưa thể có thay đổi lớn. Vẫn còn gần 35% đại biểu Đại hội XI chưa tán thành bỏ đặc trưng “công hữu”. Hơn nữa, đặc trưng kinh tế của CNXH thể hiện trong Cương lĩnh 2011 có điều chỉnh một chút so với Đại hội X, là “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Sở hữu tư liệu sản xuất nằm trong nội hàm của quan hệ sản xuất và chữ “tiến bộ” mới bổ sung kia có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau về vấn đề sở hữu. Tôi tin rằng các nhà lý luận sẽ tiếp tục được yêu cầu làm rõ nội dung đó.

Mặt khác, dù Cương lĩnh 1991 lấy “công hữu” làm đặc trưng của CNXH nhưng 20 năm qua, chính sách pháp luật vẫn theo hướng thừa nhận sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Đất đai đã được “phi tập thể hóa”, chia đến hộ gia đình, cá nhân. Doanh nghiệp nhà nước thì cổ phần hóa. Thị trường chứng khoán, một biểu hiện của sở hữu xã hội đã được mở ra… Như thế, Cương lĩnh 2011 có chăng là công nhận thực tế ấy chứ chưa thể tạo đột phá gì nữa.

. Nhưng việc không ghi đặc trưng “công hữu” vào Cương lĩnh 2011 có thể thúc đẩy cởi mở hơn những cuộc tranh luận tới đây, chẳng hạn về công nhận có sở hữu tư nhân về đất đai, thưa ông?

+ Đúng. Cái đó thì có.

Về vấn đề có nên công nhận sở hữu tư nhân về đất đai hay không, văn kiện Đại hội XI không khẳng định ngay mà nhất trí với phương án mà Trung ương khóa X quyết định ở Hội nghị 14. Đó là giao Trung ương khóa XI và Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục hoàn thiện chính sách về sở hữu đất đai sao cho hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư, người sử dụng đất; huy động được vốn vào phát triển giá trị sử dụng đất và tránh lãng phí, tham nhũng đất đai.

Như thế sẽ không có hạn chế nào cho cuộc thảo luận tới đây về chủ đề này.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm