Khắc phục đơn, thư khiếu nại chuyển lòng vòng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như thế vào chiều 23-4 tại buổi thảo luận cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự thảo Nghị quyết (NQ) việc các cơ quan của QH, đại biểu QH, HĐND, đại biểu HĐND tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Đức Hiền cho biết dự thảo NQ lần này đã rút gọn còn 24 điều, lược bỏ 20 điều, bổ sung mới bốn điều so với dự thảo NQ đã trình tháng 7-2013 (gồm 40 điều). Trong đó, lược bỏ quy định về “Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” vì nội dung giám sát đã được quy định cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát của QH.
Nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn về hiệu quả tiếp dân của các cơ quan dân cử nếu không quy định rõ vai trò giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phó Chủ nhiệm Ban Dân nguyện của QH Bùi Nguyên Súy cho rằng không thể lược bỏ quy định quan trọng này vì mục đích tiếp công dân của cơ quan hành chính là giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn mục tiêu của cơ quan dân cử tiếp công dân và nhận đơn, thư là phải giám sát được kết quả này; nếu không sẽ khó khắc phục tình trạng làm “chim đưa thư”.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo ông Súy, với một số vụ việc dân khiếu nại kéo dài 30-40 năm rồi, nếu cứ chuyển thư đến các cơ quan hành chính giải quyết nhưng người dân vẫn thấy kết quả chưa thỏa đáng thì sao? “Lúc đó, cơ quan dân cử làm thế nào nếu không có quy định rõ về quyền giám sát kết quả giải quyết khiếu kiện cho người dân” - ông Súy đặt vấn đề.
Lý giải về việc rút quy định trên khỏi NQ này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết: Phạm vi NQ lần này không quy định về vấn đề giám sát, vì ngày 1-7 tới đây Luật Tiếp công dân có hiệu lực, cho nên cần phải ban hành NQ này kịp thời để hướng dẫn chi tiết một số nội dung về tiếp công dân. Các vấn đề liên quan sẽ quy định trong các văn bản khác.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng bày tỏ lo ngại về quy định tiếp nhận và chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của công dân giữa các ban, ủy ban của QH, Thường vụ QH qua nhiều công đoạn. “Chúng ta làm NQ này nhằm khắc phục tình trạng đơn, thư khiếu nại của dân chuyển đến các cơ quan hành pháp giải quyết lòng vòng, kém hiệu quả nhưng ngay chính việc tiếp nhận và chuyển đơn, thư trong các cơ quan dân cử cũng lòng vòng” - ông Phúc nhìn nhận.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, NQ cần sửa đổi, phải làm rõ hơn quy định về giám sát kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phải thiết kế lại quy trình tiếp nhận và chuyển đơn, thư để không chuyển lòng vòng, khắc phục tình trạng làm “chim đưa thư”. “Vậy mà ngay chuyện “đưa thư” cũng lòng vòng như thế” - ông Hùng nói.
BÌNH MINH
 
Bác đề xuất tổ chức họp thêm một kỳ QH vào năm 2015
Sáng 23-4, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014, nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH không đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc tổ chức họp thêm một kỳ QH để thông qua các luật.
Trước đó, tại tờ trình trên, Chính phủ cho hay sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua sẽ có nhiều luật, pháp lệnh cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do đó, Chính phủ đề xuất tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến khoảng 10 đến 15 ngày cuối tháng 7-2015. Đồng thời, Chính phủ đề nghị chưa trình hai dự án là Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong năm 2014 để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa cho hoàn thiện.
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH không tán thành với cả hai đề xuất trên. “Chúng ta không thể tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề được, vì không có thời gian. Nếu xem xét thông qua nhiều như vậy thì sợ là quá nặng, không bảo đảm được chất lượng” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói. Ông Sơn và nhiều đại biểu khác cũng đề nghị không nên lùi thời gian trình Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bởi đây là những dự luật hết sức quan trọng, cần phải sớm được xem xét, thông qua cho phù hợp với Hiến pháp và các luật khác.
THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm