Khai thác khoáng sản: Cả trăm triệu USD vào túi nước ngoài

Chiều 2-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh những điểm trong dự luật bịt các kẽ hở về quy hoạch, phân cấp việc cấp phép, khai thác khoáng sản vô tội vạ… nhằm giảm bớt lãng phí tài sản quốc gia.

Người nước ngoài bán mỏ của Việt Nam

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã gây sốc cho các đại biểu trong việc khai thác mỏ, ông nói: “Một số tổ chức nước ngoài liên kết với phía VN xin giấy phép khai thác mỏ, sau đó họ đem ra thị trường thế giới rao bán. Với cơ chế xin-cho, chỉ bỏ ra vài chục triệu đô đầu tư, họ đã bán ra thế giới với giá 350 triệu đô, sau đó lại rao bán tiếp 650 triệu đô… Nhiều mỏ của ta có giá trị hàng tỉ USD, nếu không có cơ chế đấu giá, đấu thầu để thu lại tiền cho nhà nước sẽ lãng phí tài sản quốc gia”.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, cơ chế đấu giá, thăm dò, khai thác khoáng sản đã được đưa vào dự luật với hai hình thức. Một là đấu giá mỏ “sạch”, tức nhà nước bỏ tiền điều tra, đánh giá trữ lượng mỏ, sau đó tính toán rõ ràng để đưa ra bán đấu giá. Cách thứ hai là đấu giá thăm dò đi liền với khai thác trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, chất lượng, trữ lượng mỏ, cách này có khả năng chỉ nắm được 30%-50% giá trị của mỏ mà thôi.

Khai thác khoáng sản: Cả trăm triệu USD vào túi nước ngoài ảnh 1

Cần siết chặt quản lý trong việc khai thác tài nguyên. Trong ảnh: Khai thác vàng trên vùng cao. Ảnh: TAM ANH

Ông nói tiếp: Với những mỏ đã giao đang khai thác, hiện nay đã có hai quan điểm là không luật hồi tố, trước đã xin-cho rồi thì cứ thế mà hưởng, quan điểm khác là phải đánh giá trữ lượng còn lại để xác định khoản tiền phải nộp cho nhà nước chứ không thể “ăn dày” mãi được cũng là điều cần bàn thêm…

Lo ngại “bán rẻ” tài nguyên

Tán thành cơ chế đấu giá nhưng nhiều đại biểu lo lắng, tài nguyên quốc gia sẽ bị “bán rẻ” vào tay các “đại gia” nước ngoài.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng đấu giá phải xác định được giá trị để có giá sàn. Nếu xác định trữ lượng mỏ không rõ ràng, chưa định giá được mỏ mà “bán” sẽ dẫn đến thất thoát tài nguyên và nguồn lợi sẽ chui vào túi một số cá nhân, tổ chức kinh tế. “Một giấy phép mà có anh nước ngoài đứng sau nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp có thể bỏ túi 4-5 tỉ đồng”.

“Cho phép chuyển nhượng thì rất dễ dẫn đến lợi dụng, có thể có sự thông đồng, móc ngoặc để khi đấu giá thì thấp, ngay sau đó bán lại với giá cao” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng. Ông đề nghị bổ sung quy định trúng thầu bao lâu mới được chuyển nhượng, hay chuyển nhượng cao hơn bao nhiêu % giá trị thì phải nộp lại cho ngân sách nhà nước…

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) băn khoăn: Đấu thầu rộng rãi là nước ngoài nhảy vào, không làm chặt sẽ mất tài sản. Doanh nghiệp nước ngoài đã muốn lấy thì doanh nghiệp trong nước chắc chắn thua. Với những lý do về quốc phòng, an ninh “phải chỉ rõ những khu vực không cho nước ngoài tham gia đấu giá” - ông Ba nói.

Khai thác nhưng phải quan tâm môi trường

Bên cạnh việc siết chặt quản lý, tránh “chảy máu” tài nguyên, các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường, hạ tầng dân sinh… khi thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bộc bạch: “Tôi từng làm bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (cũ), đến bây giờ vẫn cảm thấy không thành công trong việc quản lý những mỏ sa khoáng. Hồi đó chỉ nghĩ rằng có cái mỏ, làm sao khai thác… nhưng sau một thời gian, bãi khai thác mỏ đó trở nên tan hoang…”. Với kinh nghiệm này, ông đề nghị đưa vào dự luật nguyên tắc “khai thác xong buộc phải trả lại mặt bằng như cũ. Phải gạt lớp đất màu sang bên, khai thác mỏ xong phải lấp lại, trả lại mặt bằng để sản xuất, trồng trọt. Nếu chưa làm được như thế thì không cho làm, kể cả mỏ nhỏ. Không có lý gì vùng đó đang yên đang lành, anh đến khai thác mang tài nguyên đi lại biến vùng đó thành vùng nghèo khổ...”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đồng tình là nên bổ sung tiêu chí về phương án khai thác tối ưu, khắc phục, hồi phục về môi trường. Nếu chỉ quy định doanh nghiệp trúng thầu là đơn vị bỏ giá cao hơn giá sàn vẫn chưa hợp lý…” - ông Hòa nói.

Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 16-6 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

V.TIẾN - T.NGUYỆT - T.VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm