Khát vọng pháp quyền từ “Hội nghị non sông”

Năm 2005, sau đúng 30 năm đất nước thống nhất, Quốc hội (QH) nước ta đã xác lập một kỷ lục mới trong lịch sử lập pháp: Ban hành 29 đạo luật/năm. Với khoảng 120 đạo luật được thông qua và cho ý kiến, QH khóa XI đã ban hành số lượng luật lớn hơn số lượng luật được thông qua và cho ý kiến của mười nhiệm kỳ trước đó cộng lại.

Chủ tịch QH khóa XI Nguyễn Văn An tuyên bố: “Không có con đường nào khác vì đây là mệnh lệnh của cuộc sống. Đòi hỏi của hội nhập và phát triển bền vững buộc chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trong 10-15 năm tới”. Có thể coi đây là “tuyên ngôn” đưa công tác lập pháp bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thượng tôn pháp quyền.

Khát vọng của cụ Hồ

Theo nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, thượng tôn pháp quyền chính là một trong những nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng ấy không phải đến khi tuyên bố xây dựng nhà nước Việt Nam mới theo thể chế dân chủ cộng hòa với cuộc tổng tuyển cử bầu ra QH ngày 1-6-1946 và sự ra đời của Hiến pháp 1946 mới thể hiện rõ mà nó đã được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn ngay khi Người bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Tư tưởng ấy thể hiện rành rẽ trong bản “yêu cầu ca” Nguyễn Ái Quốc viết từ những năm hai mươi của thế kỷ trước:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Khát vọng “thần linh pháp quyền” của cụ Hồ đã được cụ hiện thực hóa nó ngay cả khi đất nước chưa giành được độc lập. Đó là khi lãnh tụ Hồ Chí Minh cho triệu tập Quốc dân đại hội Tân Trào vào ngày 16-8-1945, ngay “đêm trước của cách mạng”. Mặc dù khi ấy cụ Hồ đã khôn khéo tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh nhưng để pháp lý hóa cuộc khởi nghĩa, để hội tụ ý chí của nhân dân, Người đã hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa bằng mệnh lệnh của Quốc dân đại hội Tân Trào mà người ta thường gọi là “Hội nghị non sông”.

Khi chưa thể bầu cử một Quốc hội hợp pháp để lập hiến và lập pháp, Hồ Chí Minh hiện thực hóa khát vọng pháp quyền của mình qua Quốc dân đại hội. Ngay sau cách mạng tháng Tám, trong muôn vàn khó khăn của nhà nước mới, Hồ Chủ tịch quyết tâm tổ chức tổng tuyển cử, đồng thời cho thành lập ngay ban soạn thảo hiến pháp để trình QH khóa I. Như vậy, trong suy nghĩ của Hồ Chí Minh, việc đặt nền móng để xây dựng nhà nước pháp quyền cũng cấp bách như diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sau cuộc cách mạng. “Thật đáng tiếc, Hiến pháp 1946 vừa ra đời thì chúng ta lại phải bước vào hai cuộc chiến tranh kéo dài, như một định mệnh của dân tộc nên chúng ta chưa có điều kiện thực thi những tư tưởng về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền hết sức tinh túy trong bản hiến văn đầu tiên này” - ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhận xét.

Nhận thức vai trò của lập pháp

Lần thứ hai cơ hội này bị bỏ lỡ, đó là vào sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Mỹ-Diệm xé Hiệp định Giơnevơ, bầu cử riêng rẽ ở miền Nam. Đất nước bước vào cuộc chiến đằng đẵng hai mươi năm. Do đặc điểm chiến tranh, Đảng ta đã lãnh đạo toàn diện và trực tiếp mọi mặt của đời sống, đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi. QH cũng phải dành toàn tâm toàn lực cho cuộc chiến nên không có điều kiện cho xây dựng pháp luật.

Khi đất nước thống nhất, QH của nước Việt Nam thống nhất lại được thổi bùng lên khát vọng pháp quyền của nhân dân. Cố chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, nguyên là một luật sư, tuy chỉ làm chủ tịch QH trong một thời gian ngắn ngay sau khi đất nước thống nhất đã luôn trăn trở trước vấn đề “làm sao để QH thực quyền, để QH không bị coi là cây kiểng”.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mão, để QH thực quyền và thực sự là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chúng ta cũng đã cần đến một khoảng thời gian không nhỏ cho sự chuyển biến của nhận thức. Ông Mão kể: “Sau khi đất nước thống nhất, QH bắt đầu làm việc đều đặn xuân thu nhị kỳ, công tác lập pháp bắt đầu được chú trọng. Nhưng ở QH khóa VI, khóa VII, công tác lập pháp cũng chỉ như bước thử nghiệm, có khi hai, ba kỳ họp mới thông qua một đạo luật. Hơn nữa, hoạt động của QH lúc đó cũng chưa phải đã được chú trọng, nó biểu hiện ở chỗ có khóa QH không đến mười người hoạt động chuyên trách”.

Cũng đề cập đến vấn đề nhận thức, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, người liên tục là đại biểu QH từ năm 1976 đến 2007, nhớ lại: “Lúc được bầu là đại biểu thì tôi còn trẻ, đang hoạt động đoàn. Thú thực, lúc đó tôi cũng chưa biết vào QH thì phải làm những gì. Chỉ nhớ rằng lúc đó mới giải phóng xong, nhân dân đang rất phấn khởi, mình cũng mang trong lòng một mong muốn là góp sức làm cái gì đó để nhân dân bớt khổ, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác”. Kỷ niệm của bà Thu ở kỳ họp đầu tiên của QH sau khi thống nhất đất nước là được bác Trường Chinh, bác Lê Duẩn xoa đầu khen trẻ. “Dần dà tìm hiểu, đọc tài liệu, rồi qua thực tế công tác ở những vị trí khác nhau tôi mới nhận thức rõ được vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu cho dân. Đến lúc tôi làm công tác dân nguyện, trực tiếp nhìn thấy trăm ngàn bức xúc của dân thì mới thấy hết rằng chúng ta chưa thể xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, công bằng được khi nào chúng ta chưa hoàn thiện được hệ thống pháp luật” - bà Thu nói.

Pháp luật thời bình khác thời chiến

“Khi đất nước có chiến tranh, người dân sẵn sàng dỡ cả nhà cửa để làm đường cho xe đi, đem cả tài sản hiến dâng cho nhà nước. Nhưng sang thời bình, bước vào kinh tế thị trường thì chặt một cây tre của dân cũng phải trả tiền, lấy một thước đất của dân cũng phải thương lượng... Tất cả những quan hệ trong kinh tế thị trường đều cần đến sự điều chỉnh của pháp luật mà pháp luật đó phải thực sự mang ý chí của dân. Hơn nữa, khi chúng ta hội nhập, pháp luật lại là một công cụ để cạnh tranh và tự vệ nên QH không thể chần chừ” - nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An phân tích. Theo ông An, với tốc độ làm luật như hiện nay thì phải đến 15-20 năm nữa chúng ta mới cơ bản hoàn thiện được hệ thống pháp luật.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm