Khi chỉ số kinh tế vĩ mô “đong đưa”

Đáng nói là việc điều chỉnh CPI vừa diễn ra tháng trước (tháng 5), từ con số 7% lên 15%. Còn tháng trước đó nữa (tháng 4) chính Bộ KH&ĐT từng khăng khăng “sẽ giữ ở mức 12%”. Lần nhắc đến số liệu 17%-18% này, Bộ trưởng Phúc thậm chí còn không dám khẳng định mạnh mẽ như trước, bởi thực tế CPI tính đến tháng 6 đã tăng 13,29% so với tháng 12 năm ngoái, mà giới hạn còn lại sẽ là một thách thức khó vượt.

Còn nhớ con số 15% được đưa ra vào tháng trước khi kinh tế vĩ mô gặp rất nhiều bất ổn. Nay giá cả bắt đầu dịu lại, tỉ giá giảm và dự trữ ngoại tệ tăng nhưng chính Bộ KH&ĐT, cơ quan điều hành vĩ mô, thì lại tin rằng giá cả còn tăng từ nay đến tháng 9, sau đó có dịu lại không đáng kể và sẽ tiếp tục tăng cao trở lại trong những tháng cuối năm. Vì thế, ông Phúc đã thổ lộ thật lòng “ngay cả 17%-18% cũng là mức đặt ra để phấn đấu hết sức” bởi một lý do khá quan trọng là đã có “cả kế hoạch thả giá một số mặt hàng thiết yếu theo thị trường”!

Đến đây bỗng... giật mình. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia kinh tế phải liên tục lên tiếng, đòi hỏi thực hiện nghiêm Nghị quyết 11, thực hiện nghiêm “điều lệnh” thắt chặt chi tiêu, hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát, mà bài học “nới lỏng” từ cuối quý III năm ngoái vẫn là một kinh nghiệm thương đau. Thêm nữa, dấu hiệu tương tự đã bắt đầu xuất hiện khi tốc độ CPI vừa dịu đi thì một số địa phương, bộ, ngành (mà mới nhất là Bộ Xây dựng) đã ra sức “kêu cứu” đòi tháo gỡ vốn cho các dự án cục bộ của ngành, địa phương mình…

Thẩm tra báo cáo Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 24-6, Phó Chủ nhiệm Vũ Viết Ngoạn băn khoăn:“Phải chăng do dự báo chỉ số CPI chỉ tăng 6%-7% nên đầu năm đã quyết định thay đổi mặt bằng giá? Đây có phải là yếu tố đã tác động đến tâm lý người dân, trong khi công tác quản lý còn hạn chế nên đã tạo cơn bão giá?”. Có lẽ đó cũng là nỗi lo của những người đang phải lập kế hoạch trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp mình, cho chi tiêu của gia đình mình, bởi ngay ở cấp (tham mưu) điều hành vĩ mô vẫn còn dao động, vẫn còn phải liên tục thay đổi những chỉ số quan trọng của nền kinh tế thì họ biết dựa vào đâu?

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm