Khi đại biểu nhân dân quên “vai”…

Với vai trò là đại biểu nhân dân, khi tham gia chất vấn các sở, ngành, lẽ dĩ nhiên đại biểu phải nêu những câu hỏi mà cử tri đã gửi gắm trong lúc tiếp xúc cử tri cũng như những vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp đầu tiên và với những đại biểu tham gia nghị trường lần đầu tiên sẽ có thể không tránh khỏi những câu hỏi chưa đúng trọng tâm mà chủ tọa đề ra. Nhưng hôm qua, hẳn nhiều người bất ngờ khi có đại biểu kiêm nhiệm đứng lên không phải để chất vấn mà chỉ “xin giải trình thêm”, “trả lời thêm” cho phần trả lời của người được chất vấn.

Thông thường, nếu thấy cần thiết phải làm rõ hơn phần trả lời của các sở, ngành được chất vấn, chủ tọa kỳ họp có thể mời các đại biểu ở đơn vị liên quan giải trình thêm chứ đại biểu không thể “vô tư” lấy diễn đàn chất vấn để “giãi bày” về đơn vị mình. Phải chăng đại biểu nhân dân này đã quên mất “vai” của mình khi tham gia chất vấn?

Thực tế hiện nay các đại biểu HĐND ngoài rất ít những vị chuyên trách thì đa số phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau. Người làm DN, người làm công tác quản lý nhà nước, người làm công tác lãnh đạo Đảng, chính quyền. Mỗi người có thể làm một việc khác nhau nhưng đã là đại biểu HĐND được nhân dân tín nhiệm bầu ra thì không thể không biết vai trò của mình trước nhân dân. Tức là dù làm ở ngành nghề gì, lĩnh vực gì nhưng khi đã bước chân vào kỳ họp HĐND, tham gia thảo luận, chất vấn các vấn đề tại kỳ họp, đại biểu phải hiểu vai trò của mình lúc này là những đại biểu nhân dân chứ không chỉ là đại biểu đại diện cho sở, ngành, DN mà mình đang quản lý.

HĐND TP khóa này có nhiều đại biểu mới lần đầu bước chân vào làm công tác đại biểu, có thể đây là một công việc mới mẻ với một người phải đóng hai vai. Nhưng để thực sự xứng đáng với lá phiếu cử tri đã tín nhiệm mình, các đại biểu cần xác định rõ: Tiếng nói và tâm tư của nhân dân cần phải được vang lên ở nghị trường!

ĐÌNH CAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm