Không hạn chế nhập cư ở ngoại thành

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH ngày 21-3 thảo luận về Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (LCT), Ủy ban Pháp luật của QH (UBPL) đề nghị chỉ siết nhập cư ở khu vực nội thành, còn ngoại thành thì thực hiện theo quy định hiện hành.

Cào bằng là không hợp lý

Theo Dự thảo sửa đổi LCT, Chính phủ đề xuất bổ sung hàng loạt các điều kiện để được nhập cư vào các TP trực thuộc trung ương (không phân biệt nội thành và ngoại thành) như: Phải có chỗ ở hợp pháp, đã tạm trú liên tục tại TP đó từ hai năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản...

Thẩm tra dự luật trên, UBPL cho rằng tự do cư trú là quyền quan trọng của công dân đã được quy định tại Hiến pháp. Vì vậy, các nội dung sửa đổi, bổ sung của LCT không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp và phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Không hạn chế nhập cư ở ngoại thành ảnh 1

UBPL đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các TP trực thuộc trung ương. Ảnh: HTD

Từ những lập luận trên, UBPL cho rằng việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn TP trực thuộc trung ương gồm TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng (riêng Hà Nội thực hiện theo Luật Thủ đô - PV) là quá rộng. Vì trên thực tế nhiều huyện ngoại thành của các TP trực thuộc trung ương hiện nay không phải chịu áp lực về mật độ dân cư, có huyện còn khuyến khích dân cư đến ở. Hơn nữa, ngay trong Luật Thủ đô cũng chỉ hạn chế đăng ký thường trú vào nội thành, còn ngoại thành thì không hạn chế. “UBPL đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các TP trực thuộc trung ương” - Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Bỏ quy định “phải là nơi tạm trú”

Đề cập đến quy định trong dự thảo “nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú”, ông Lý cho hay UBPL không tán thành với quy định trên. Quy định này có thể dẫn đến những hạn chế quyền của người dân. “Bởi nếu căn cứ quy định này, người thuê nhà và đăng ký tạm trú tại một quận nhưng sau đó mua nhà ở một quận khác thì vẫn phải tiến hành đăng ký tạm trú, sau đó mới có quyền đăng ký thường trú tại ngôi nhà mà mình mới mua” - ông Lý dẫn chứng.

Hơn nữa, theo ông Lý, quy định như trên dễ dẫn đến cách hiểu là để được đăng ký thường trú thì thời hạn tạm trú tại một chỗ ở phải từ hai năm trở lên. Như vậy sẽ không phù hợp vì việc ở nhờ, mượn hay thuê nhà ở thường không có tính ổn định, có sự phụ thuộc vào các hợp đồng dân sự về thời hạn thuê, mượn, ở nhờ, về giá thuê nhà ở cũng như phụ thuộc vào điều kiện công tác, làm việc, sinh hoạt. “Nếu quy định chỉ được đăng ký thường trú vào nơi đang tạm trú sẽ có khả năng nhiều người mặc dù đã tạm trú tại nội thành TP trực thuộc trung ương nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành TP đó do phải thay đổi chỗ ở nhiều lần mà không có nơi nào tạm trú đủ tới hai năm. Vì vậy, UBPL đề nghị bỏ quy định này” - ông Lý nói.

Tán thành với nhận định của UBPL, các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ QH như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị bỏ những quy định trên ra khỏi dự thảo luật để tạo điều kiện thông thoáng cho người dân thực hiện quyền cư trú.

Hạn chế khen thưởng cho lãnh đạo

Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng luật hiện hành chủ yếu dành khen thưởng cho lãnh đạo nhiều, còn cán bộ công nhân viên thì khen thưởng rất ít. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà cho biết thêm những năm qua thực hiện theo luật hiện hành thì có đến 90% là khen thưởng lãnh đạo công chức và lãnh đạo quản lý.

Vì thế, dự luật lần này đã bổ sung các điều kiện không khen thưởng cho các lãnh đạo từ cấp vụ trở lên mà sẽ tập trung chú trọng khen thưởng trực tiếp cho những người lao động sáng tạo...

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm