Không nên cứng nhắc về chính quyền địa phương

“Thực tiễn phát triển cho thấy mô hình chính quyền bốn cấp (gồm cả cấp trung ương) tổ chức ở tất cả địa bàn đô thị cũng như nông thôn hiện nay không còn thích hợp nữa. Những quy định về chính quyền địa phương (CQĐP) trong Hiến pháp (HP) sửa đổi tới đây phải giải quyết được vấn đề này”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như trên tại buổi tọa đàm về CQĐP trong Dự thảo sửa đổi HP 1992, do Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP tổ chức tại TP.HCM ngày 28-8.

Chính phủ đưa ra nhiều phương án

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết Chính phủ đề xuất bốn phương án về CQĐP trong Dự thảo sửa đổi HP 1992.

Trong đó, theo phương án 1, CQĐP (gồm có HĐND và UBND) sẽ được tổ chức thành ba cấp ở tỉnh, TP trực thuộc trung ương; TP thuộc tỉnh, thị xã; thị trấn và xã. Còn ở quận, huyện, phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính, do cấp trên thành lập để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và cung cấp một số dịch vụ công trên địa bàn, bảo đảm tính thông suốt, gần dân, phục vụ nhân dân của nền hành chính quốc gia. “Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc” - ông Liên nói.

Không nên cứng nhắc về chính quyền địa phương ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hoàn toàn có thể tổ chức chính quyền hai cấp ở TP được vì tính liên hoàn không chia cắt ở các địa bàn đô thị. Ảnh: MC

Phương án 2 đề xuất việc tổ chức CQĐP phân biệt rõ đô thị và nông thôn và cả khu vực vừa xen lẫn nông thôn và đô thị. Theo đó, ở khu vực nông thôn, CQĐP được tổ chức thành ba cấp hoàn chỉnh (ở tỉnh, huyện, xã). Còn ở khu vực đô thị, CQĐP được tổ chức thành một cấp hoàn chỉnh (TP trực thuộc trung ương, còn quận và phường chỉ có cơ quan hành chính).

Mặt khác, ở các khu vực có xen lẫn nông thôn và đô thị thì tùy theo mức độ đô thị hóa, CQĐP có thể tổ chức thành ba cấp hoàn chỉnh hoặc hai cấp hoàn chỉnh. Nếu là ba cấp thì ở tỉnh sẽ gồm chính quyền cấp tỉnh, TP thuộc tỉnh (hoặc thị xã) và xã; ở TP trực thuộc trung ương sẽ gồm chính quyền cấp TP trực thuộc trung ương, thị xã và xã. Nếu là hai cấp thì ở tỉnh và TP trực thuộc trung ương đều không tổ chức chính quyền hoàn chỉnh ở cấp xã nữa.

Chọn quận, bỏ phường vì sao?

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, ở khu vực đô thị của TP nên tổ chức hai cấp chính quyền đầy đủ (HĐND và UBND) gồm cấp TP và cấp quận (bỏ chính quyền cấp phường). “Xuất phát từ thực tiễn nước ta, hoàn toàn có thể tổ chức chính quyền hai cấp ở TP được vì tính liên hoàn không chia cắt ở các địa bàn đô thị” - ông Dũng nói.

Vì sao lại chọn quận để tổ chức chính quyền chứ không phải phường? Ông Dũng phân tích: Cấp phường hiện nay ở các TP của Việt Nam thường nhỏ, chưa thể tổ chức thành một cấp chính quyền được. “Một cấp chính quyền thì phải có quy mô đủ lớn để tổ chức các hoạt động dịch vụ công, tương tác với người dân, làm nên đời sống chính trị, còn bé quá là làm không được” - ông Dũng lý giải.

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Cửu Việt, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng không nên cứng nhắc trong hiến định về tổ chức CQĐP. “Cần phải hiến định mở và tạo khoảng mềm để đa đạng hóa trong tổ chức CQĐP. Sự đa dạng ấy nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phát huy tính năng động của từng địa phương hiện nay. Đảm bảo sự đa dạng phù hợp ấy cũng là đảm bảo dân chủ, vì có tổ chức phù hợp thì chính quyền mới phục vụ nhân dân tốt nhất” - ông Việt nói.

CQĐP là pháp nhân công quyền

Theo các quy định hiện hành, chúng ta sử dụng khái niệm nhà nước để chỉ cho trung ương lẫn địa phương trên tất cả lĩnh vực như ngân sách, tài sản, thẩm quyền…, từ đó phân cấp nên nó trở thành nguyên nhân của cơ chế xin-cho, thiếu địa chỉ rõ ràng, đặc biệt vô cùng phức tạp về thủ tục hành chính nhưng lại tạo quá nhiều kẽ hở để tiêu cực.

Khi xác định CQĐP là pháp nhân công quyền thì sẽ dẫn đến việc phân định rõ ràng giữa ngân sách quốc gia do chính quyền trung ương đại diện và ngân sách địa phương thuộc CQĐP (do HĐND quyết định). Ngân sách quốc gia trợ cấp cho địa phương dù 1 đồng cũng phải do QH quyết định và giám sát thực thi; ngân sách địa phương dù 100 đồng vẫn thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương mà QH không can thiệp. Tài sản quốc gia tọa lạc tại một địa phương do Chính phủ quản lý; tài sản của địa phương do CQĐP tự quản lý và tự chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương.

TS TRẦN DU LỊCH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách
Đoàn đại biểu QH TP.HCM

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm