“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”

Thực tế gọi là “bỏ hoang” nhưng tất cả các biệt thự đều có chủ, thậm chí có căn đã qua nhiều đời chủ dù chưa hoàn công, chưa từng có người ở. Theo pháp luật dân sự, dù chưa ở nhưng nếu là tài sản được hình thành hợp pháp thì các chủ nhân sẽ mặc nhiên được bảo hộ quyền sở hữu này, không ai có thể xâm phạm.

Thế nhưng quyền sở hữu đó sẽ là bình thường nếu cái sự... bỏ hoang không xâm phạm lợi ích chung, không tạo nên tâm lý ức chế cho xã hội khi một nguồn lực lớn là đất đai, tài sản không được sử dụng trong khi đang rất khan hiếm. Nhẹ thì là sự nhếch nhác cho bộ mặt đô thị, tạo môi trường cho tệ nạn ma túy, mại dâm, trộm cướp; nặng thì đó là biểu hiện của sự chênh lệch mức sống đang diễn biến khốc liệt, đi ngược lại mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà chúng ta đang theo đuổi.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế... hiện vẫn còn tồn tại nhiều hộ gia đình sống trong những căn nhà chật chội, tạm bợ. Cả nước hiện vẫn còn 7,42% nhà đơn sơ, tương ứng hơn 1,6 triệu căn hộ; 10,64% tổng số căn hộ có diện tích dưới 30 m2/căn, trong đó tỉ lệ căn hộ có diện tích quá chật hẹp dưới 15 m2 chiếm 2,38% (riêng khu vực đô thị là 4%). Tỉ lệ nhà ở có diện tích rộng từ 60 m2 trở lên chiếm khoảng 51% nhưng thực tế số hộ gia đình có diện tích nhà ở chật chội dưới 15 m2 hầu như không giảm trong 10 năm vừa qua (vẫn chiếm khoảng 14%).

Bộ Xây dựng đánh giá, thực trạng nói trên có nguyên nhân là do hiện tượng có một nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế sở hữu nhiều nhà ở với diện tích rộng, làm tăng chênh lệch về điều kiện ở giữa các tầng lớp dân cư, làm tăng khoảng cách giàu - nghèo, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” - lời huấn thị nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ có thể gợi ý cho các cơ quan chức năng hướng giải quyết những hình ảnh bất công ngay giữa thủ đô.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm