Không trả lời báo chí: Phải bị chế tài

Đó là kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo góp ý dự án “Nâng cao mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân trên báo chí” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội KHTT Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức sáng 18-10.

Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM phân tích: Theo Nghị định 02/2011 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản), các cơ quan nhà nước có thể bị xử phạt về việc không cung cấp thông tin cho báo chí theo Điều 7 Luật Báo chí. Tuy nhiên, nghị định này không đề cập đến việc chế tài đối với hành vi chậm hoặc không trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí chuyển đến theo quy định của Điều 5 Luật Báo chí. Nghị định 02 cũng không có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan trong việc trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí như quy định của Điều 8 luật này.

Đại diện báo Thanh Niên cho hay: Bên cạnh những trường hợp có văn bản trả lời trong hạn định thì còn nhiều cơ quan chức năng chậm hoặc không trả lời các kiến nghị của người dân mà do báo chí có phiếu chuyển. Vị này nêu: Tỉ lệ phản hồi từ các cơ quan nhà nước đối với báo bằng đường chuyển đơn, thư khoảng 30%-45%. Trong năm 2012, tỉ lệ này là 48,6% nhưng trong chín tháng đầu năm 2013 chỉ còn 27,8%. Con số này ở báo Tuổi Trẻ là 30% và ở báo Pháp Luật TP.HCM là 25%.

“So với việc đề nghị các cơ quan nhà nước trả lời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân bằng phiếu chuyển thì việc đăng tải các nội dung này lên mặt báo hiệu quả hơn rất nhiều (95%)” - đại diện báo Pháp Luật TP.HCM thông tin. Ở báo Tuổi Trẻ, việc này chiếm đến 70%.

Theo luật sư-TS Phan Đăng Thanh, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc công khai hóa nguyện vọng của người dân. Để các cơ quan nhà nước quan tâm, phản hồi tích cực hơn các nguyện vọng đó, cần dân chủ hóa báo chí hơn nữa. “Điều này cần phải được cụ thể hóa trong Luật Báo chí sửa đổi tới đây” - luật sư-TS Phan Đăng Thanh đề nghị.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí Trung ương (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông), nêu ý kiến: “Sở dĩ có việc chậm trả lời báo chí là vì nhận thức pháp luật của người có trách nhiệm chưa cao, còn xem nhẹ việc này nên dẫn đến chỉ đạo không rốt ráo hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết, trả lời cho báo chí. Ngoài đề xuất quy định chế tài đối với các cơ quan nhà nước chậm hoặc không trả lời báo chí, bản thân báo chí cũng phải nỗ lực đeo bám nhiều hơn những kiến nghị của mình để thúc đẩy cơ quan nhà nước lưu tâm, giải quyết tích cực hơn”.

M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm