Không vì quản lý cư trú mà gây khó cho dân

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú mà Chính phủ trình tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Pháp luật (ngày 12-3), các điều kiện để được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương phải là: có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhà của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú....

Thẩm tra sơ bộ nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng việc áp dụng tất cả điều kiện trên cho các thành phố trực thuộc trung ương là quá rộng, không phù hợp với các khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, điều kiện nơi đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú sẽ dẫn đến việc có thể hạn chế quyền công dân. “Do đặc thù công việc nên nhiều người phải liên tục chuyển chỗ ở, chỗ tạm trú, nếu quy định như thế sẽ gây khó cho người dân. Nhiều người dù sống ở thành phố lâu nhưng vì không có nơi nào tạm trú hai năm nên không được đăng ký thường trú” - ông Luyến nói.

Không vì quản lý cư trú mà gây khó cho dân ảnh 1

Làm thủ tục nhập hộ khẩu tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cũng cho rằng quy định có tạm trú mới được đăng ký thường trú là không hợp lý. Ông nêu ví dụ: “Tôi ở Đắk Lắk, nhận công tác ở Hà Nội, tôi mua nhà, ra ngày nào thì tôi đăng ký luôn chứ, sao lại bắt tôi phải tạm trú hai năm?”.

So sánh dự thảo luật với Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp đang xây dựng, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng tự do cư trú là quyền của công dân. Vì vậy nếu đưa các điều kiện khắt khe, biện pháp hành chính để hạn chế quyền tự do cư trú của công dân là không phù hợp. “Khi xây dựng Luật Cư trú, rất nhiều người kêu ca sẽ hạn chế rất nhiều quyền của công dân. Nhiều cơ quan lợi dụng cái này để hạn chế việc tuyển dụng. Mục đích của cư trú là quản lý, theo dõi được con người... nhưng nếu chúng ta đặt điều kiện này, điều kiện kia thì sẽ gây khó, gây phiền hà cho dân và dễ làm nảy sinh nhiều tiêu cực” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cảnh báo.

Chia sẻ với các ý kiến trên, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng không cần sửa mà chỉ cần thực hiện theo Luật Cư trú hiện hành cũng là tốt lắm rồi. Hơn nữa cũng đang có ý kiến kêu ca vì hạn chế quyền con người, quyền cư trú, vì thế không nên ban hành luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú vào thời điểm này.

Đại biểu Ngô Văn Minh bày tỏ: “Nhiều nông dân làm ăn ở thành phố nhưng do không có hộ khẩu nên phải chi phí nhiều tiền cho các dịch vụ học hành, khám chữa bệnh, trong khi người thành phố được miễn phí. Tôi nghĩ chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo về vấn đề trên, chứ cứ quy định thế này thì chỉ có lợi cho quản lý, còn người dân thì chẳng được lợi gì”.

Giải đáp những thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng: “Nếu đại biểu đứng trên quan điểm là bảo vệ quyền lợi cho người dân thì quy định thế này, thế kia là không phù hợp. Nhưng ở góc độ an ninh thì con người đi đâu, làm gì chúng ta phải biết. Nhất là hiện có 20 vạn đối tượng bị truy nã, nửa triệu con nghiện, mà những đối tượng này mà không quản lý thì không được. Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên chúng ta phải quy định như thế”.

Theo chương trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sẽ tiếp tục được trình ra xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa rồi mới trình ra Quốc hội.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm