Không xử phạt khi đăng ký lại xe chưa chính chủ

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29-3, nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam giải đáp.

Không nên mở chiến dịch xử phạt

. Sau khi dư luận phản ứng về việc xử phạt hành vi mua bán ô tô, xe máy mà không sang tên, đổi chủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng xử phạt, đồng thời yêu cầu các bộ Công an, Tài chính đơn giản hóa thủ tục sang tên. Từ chỉ đạo này, Bộ Công an đã ban hành hai thông tư số 11, 12 hướng dẫn lại việc xử phạt và thủ tục sang tên. Tuy nhiên, Thông tư 11 lại cho phép xử phạt cả với xe đăng ký lại theo Thông tư 12, tức là vừa “nới” một tí đã “đóng” lại. Như vậy có đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng?

+ Vấn đề xử phạt xe chính chủ báo chí đã nêu từ mấy tháng trước. Tôi tìm hiểu thì thấy lâu nay chúng ta vẫn coi việc đăng ký phương tiện giao thông cơ giới là bắt buộc. Mà bắt buộc thì phải có chế tài. Năm 1995, ta còn quy định phạt lỗi đi xe không chính chủ với người điều khiển phương tiện. Tới 2005, việc đăng ký ô tô, xe máy được xác định theo luật dân sự, là đăng ký sở hữu. Lúc này chế tài xử phạt việc không sang tên, đổi chủ khi mua bán được chuyển sang chủ phương tiện.

Xin nói rõ, việc xử phạt là cần thiết, bởi đăng ký ô tô, xe máy vừa để bảo vệ quyền của chủ sở hữu, vừa giúp kiểm soát việc sử dụng xe cộ. Tuy nhiên, hướng dẫn vừa qua của Bộ Công an về xử phạt chính chủ với cả người điều khiển xe chưa bám sát nguyên tắc dân sự này nên phải dừng lại và sửa đổi.

Không xử phạt khi đăng ký lại xe chưa chính chủ ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: TTXVN

Còn về thực trạng, nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý phương tiện. Một mặt do thủ tục đổi chủ phiền hà, mặt khác người dân thiếu ý thức trong việc sang tên phương tiện khi mua bán. Việc kiểm tra, xử lý lại không nghiêm. Vì thế, cả nước đến nay có ít nhất 10 triệu xe máy không sang tên chính chủ. Bộ Công an ban hành thông tư mới đơn giản hóa thủ tục sang tên xe đã qua mua bán lòng vòng, còn Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm thuế, phí trước bạ là để gỡ số tồn đọng đó.

Những phản ánh của báo chí về các vướng mắc liên quan đến hai thông tư của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã chuyển cho Bộ Công an. Sang tên khi mua bán là bắt buộc nên chế tài vẫn cần thiết. Nhưng không nên mở chiến dịch theo kiểu cho đăng ký chính chủ lại với 10 triệu xe này rồi từ đó cứ phát hiện vi phạm chính chủ là phạt. Tinh thần các lãnh đạo Bộ Công an trao đổi lại cũng như vậy. Chế tài chỉ là để không cho phát sinh các vi phạm mới. Còn lại phải tạo điều kiện cho người dân đăng ký lại, khắc phục số xe không chính chủ đang tồn tại kia.

. Vấn đề gốc ở đây là chế tài xử phạt được quy định trong Nghị định 34/2010, sau đó là Nghị định 71/2012. Hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu hướng sửa đổi nghị định này theo hướng không quy định xử phạt nữa nhưng Bộ Công an lại không tán đồng. Ý kiến Chính phủ thế nào?

+ Tôi cho rằng khi đăng ký sở hữu ô tô, xe máy là bắt buộc thì vẫn phải có chế tài, cho dù có thể quy định ở văn bản này hay văn bản khác. Việc này các bộ sẽ bàn để có giải pháp hợp lý. Khi có dự thảo, Chính phủ sẽ thảo luận tập thể, bỏ phiếu biểu quyết.

Mã số định danh: Các bộ phải phối hợp xây dựng

. Cũng liên quan đến Bộ Công an, vừa qua Bộ Tư pháp xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, trong đó có nội dung về mã số công dân thống nhất. Tuy nhiên, phía Bộ Công an lại phản đối, đề nghị Bộ Tư pháp dừng. Ý kiến của ông thế nào?

+ Xây dựng mã số định danh với công dân được Chính phủ quan tâm đã lâu. Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu có một mã số được lập cho mỗi người từ khi mới sinh ra thì có thể sử dụng cho một loạt hệ thống đánh số khác trên toàn quốc, khắc phục được tình hình nhiều hệ thống mã số không gắn kết nhau như hiện nay. Mã số định danh công dân vì vậy phải được các bộ, ngành phối hợp với nhau xây dựng.

Vấn đề báo chí phản ánh, có thể do phát ngôn của người này, người khác mà dẫn tới hiểu lầm Bộ Tư pháp xây dựng hệ thống riêng, Bộ Công an làm mã số riêng. Tôi khẳng định Chính phủ không chỉ đạo như vậy và cũng không cho phép bộ, ngành nào cát cứ.

Hỗ trợ ngư dân vững chắc hơn

. Việc tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu của ngư dân ta đang hoạt động bình thường ở khu vực Hoàng Sa, quan điểm của Chính phủ thế nào?

+ Hành động đó không chỉ vi phạm chủ quyền Việt Nam mà còn vi phạm nguyên tắc của luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận DOC giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về ứng xử trên biển Đông. Đó còn là hành vi vô nhân đạo. Bộ Ngoại giao đã có ý kiến phản đối chính thức, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi như vậy, không để ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa hai nước và hòa bình trong khu vực.

Riêng chính sách với ngư dân bám biển, chúng ta xác định rủi ro của bà con rất nhiều. Có rủi ro do thiên nhiên nhưng cũng có những nguy cơ như sự việc vừa diễn ra. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân, mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, để bà con ngư dân tiếp tục phát triển nghề của mình.

Sẽ kiến nghị Quốc hội giảm thuế cho doanh nghiệp

Trong hai ngày 28 và 29-3, Chính phủ đã họp đánh giá tình hình KT-XH và nhận định: Nhiều chủ trương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ ban hành nhưng quá trình hướng dẫn triển khai của các bộ lại chậm hoặc do thiếu quyết liệt của cơ quan thực thi khiến hiệu quả thấp, chậm vào cuộc sống. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai các giải pháp đã được nêu trong hai nghị quyết đầu năm của Chính phủ.

Riêng việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị một số giải pháp giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp để kỳ họp tới trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cùng với những giải pháp thuộc thẩm quyền Chính phủ đã quyết, việc giảm thuế này sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Về đề án công ty quản lý tài sản do Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất, đến nay Bộ Chính trị đã thông qua về nguyên tắc. Tuy nhiên, khi đưa ra bàn cụ thể để ban hành nghị định, tại kỳ họp Chính phủ này thấy còn nhiều vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý. Vì vậy, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để trình trong kỳ họp sau. Yêu cầu là công ty quản lý tài sản không chỉ giúp giải quyết quan hệ nợ giữa các ngân hàng với nhau, mà còn phải phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý nợ xấu cho toàn bộ nền kinh tế.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm