GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Làm quan chức thì phải thôi đại biểu QH

Sáng 13-12, Khối Trí thức - CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu đã phân tích và kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề nhà nước pháp quyền, chế độ sở hữu và cơ chế bảo hiến…

Đại biểu kiêm nhiệm và nhà nước pháp quyền

Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay chưa phù hợp với tinh thần của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được ghi trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001). Điều này biểu hiện rõ nhất trong cơ chế kiêm nhiệm hiện nay ở QH. Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Võ Văn Thôn phân tích: “Một nhà nước pháp quyền là nhà nước phải có QH gồm những đại biểu chuyên trách, không được kiêm nhiệm các chức danh trong bộ máy hành pháp và tư pháp. Nếu những người thi hành pháp luật lại cũng chính là những người xây dựng pháp luật thì đó không phải là nhà nước pháp quyền”.

Cũng theo ông Thôn, hiến pháp ghi “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” nhưng sự “phân công và phối hợp” ở đây không thể hiểu là trong một con người mà phải hai người khác nhau thì mới thực hiện được. “Chính cơ chế này là mảnh đất để phát sinh tham nhũng, vì cơ chế kiêm nhiệm đã làm giảm hiệu lực của quyền giám sát tối cao của QH đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước mà hiến pháp đã quy định” - ông Thôn nhấn mạnh.

Làm quan chức thì phải thôi đại biểu QH ảnh 1

Theo ông Võ Văn Thôn, đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là cán bộ, công chức trong các cơ quan hành pháp và tư pháp. Trong ảnh: Một phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Kết lại vấn đề này, ông Thôn kiến nghị hiến pháp sửa đổi cần quy định rõ: “Đại biểu QH không thể đồng thời là cán bộ, công chức trong các cơ quan hành pháp và tư pháp, để dành trọn thời gian làm nhiệm vụ đại biểu” và “đại biểu QH phải xin từ nhiệm nếu được bổ nhiệm vào các chức vụ trong bộ máy hành pháp hay tư pháp”.

Cấp thiết cần cơ quan bảo hiến

Góp ý cho việc thiết lập cơ chế bảo hiến, GS-TSKH Nguyễn Vân Nam cho rằng góp ý để có một bản hiến pháp sửa đổi hay là quan trọng và cần thiết. “Nhưng nó sẽ không còn ý nghĩa và tác dụng nếu như việc không thực thi đúng hiến pháp - vi phạm hiến pháp lại chẳng bị sao cả” - ông Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nam, việc quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn việc sửa đổi hiến pháp, đó là cần hình thành Tòa bảo hiến và phải đảm bảo tính độc lập của Tòa bảo hiến vì nếu không độc lập thì không phát huy được hiệu quả. “Một khi tòa bảo hiến có mà không hoạt động hiệu quả thì sẽ làm cho xã hội xem thường tác dụng của nó, giá trị của hiến pháp vì vậy cũng bị ảnh hưởng” - ông Nam nói.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị cần phải đa dạng hóa sở hữu đất đai trong lần sửa hiến pháp sắp tới. Trong đó phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai của người dân. Điều ấy sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, hạn chế nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đang gây ra những hậu quả nhiều mặt cho xã hội hiện nay.

Hiến pháp phải ghi nhận nguyên tắc về thu hồi đất

Đó là nội dung Bộ TN&MT kiến nghị trong dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, tại cuộc họp ngày 13-12. Cụ thể, để đảm bảo quyền và lợi ích của người có đất bị thu hồi, đề nghị bổ sung một số nguyên tắc về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vào hiến pháp. Đồng thời, cần bổ sung vào hiến pháp nguyên tắc Nhà nước bảo đảm các quyền của người sử dụng đất, để người dân yên tâm khai thác, sử dụng đất một cách có hiệu quả; quy định trách nhiệm đăng ký đất đai của tất cả những người sử dụng đất vào hiến pháp.

Những đề xuất trên của Bộ TN&MT đều xuất phát bởi những bất cập từ thực tế. Cụ thể, các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thường xuyên thay đổi dẫn tới tình trạng người dân có đất so bì, khiếu nại ở dự án thu hồi đất qua nhiều năm. Việc chuẩn bị phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, nhất là phương án giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất. Việc thực hiện quy định về góp vốn bằng quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn lúng túng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai khó giải quyết…

HOÀNG VÂN

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm