Lãnh đạo bằng SMS: Tùy tiện!

Chú ý vì công văn này viết rõ: “Để tránh tình trạng lạm dụng thông tin giả mạo trong chỉ đạo, xử lý công việc, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc quyền “tuyệt đối không chỉ đạo, báo cáo, trao đổi, xử lý công việc (của đơn vị mình) bằng tin nhắn qua điện thoại. Các tin nhắn qua điện thoại với nội dung liên quan đến công việc chung coi như không có giá trị”.

Có lẽ bức xúc vì thực trạng gần đây, lợi dụng sự tiến bộ của công nghệ tin học, một số đối tượng đã sử dụng phần mềm để dùng số điện thoại di động của người này gửi các tin nhắn giả mạo vào số máy di động của người khác, dẫn đến tình trạng bất ổn về an ninh thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, tỉnh Gia Lai phải ra văn bản về việc này.

Thế nhưng chính từ sự bức xúc ấy lại bộc lộ một thói quen rất… nghiệp dư của không ít người đang giữ cương vị lãnh đạo là thường điều hành công việc bằng… tin nhắn! Nhẹ là việc gửi một chỉ lệnh cho cấp dưới qua tin nhắn điện thoại theo kiểu nửa công, nửa riêng; nặng hơn là ra một thông báo cho một nhóm địa chỉ trong danh bạ, để rồi nếu cấp dưới làm tốt (không có hậu quả) thì không sao, làm không tốt hoặc có vấn đề về trách nhiệm thì lại biện bạch rằng “a gửi tin báo như thế, chú thắc mắc thì hỏi lại chứ đó có phải là mệnh lệnh bằng văn bản đóng dấu đỏ đâu?!”.

Thậm chí nhiều trường hợp tin nhắn đó còn là sự “chuyển tiếp” đầy máy móc hoặc có dấu hiệu khuất tất (như chỉ lệnh có dụng ý cá nhân), tránh việc phải đối thoại, giải thích khi cấp dưới yêu cầu!

Thực tế tin nhắn điện thoại chỉ là một phương tiện kỹ thuật tạm thời, thiếu đồng bộ (như có loại máy nhắn được tin có dấu, loại không), phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kỹ thuật (như công suất cột sóng, vùng phủ sóng, loại máy…) nên trước nay không có quy định hay công nhận nào về cách thức chỉ đạo, điều hành này. Hiện ngoài văn bản giấy (có ký, đóng dấu), gần đây Nhà nước có chấp nhận thêm loại văn bản gửi qua email nhưng phải là loại dể dưới dạng pdf, tức là cũng thể hiện rõ chữ ký và con dấu.

Vì thế tin nhắn qua điện thoại, tin gửi qua nick chat (YM!, Skype, Google, Facebook…) chỉ được xem là… trò chơi của lớp trẻ, hoàn toàn không an toàn, đặc biệt là không chính danh, không phù hợp luật pháp và nhất là khi nó thể hiện cách làm việc tùy tiện, không phù hợp vị thế người đứng đầu tổ chức, cơ quan.

Sau Gia Lai, hy vọng nhiều nơi khác tiếp tục có biện pháp chấm dứt kiểu chỉ đạo điều hành tùy tiện như vậy!

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm