Lấy phiếu tín nhiệm gắn với tình huống cụ thể

Đại thi hào Nguyễn Trãi, công thần thời nhà Lê dựng cơ đồ, thấy không thể cộng tác với một số vị quan trong triều, thấy kiến nghị đúng đắn của mình không được chấp nhận đã xin nghỉ hưu sớm. Chu Văn An là đại quan có công lớn trong truyền bá Khổng giáo vào Việt Nam, là thầy dạy học của các hoàng thái tử nhà Trần. Nhưng rồi thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, dâng thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh mà vua không nghe, ông chán nản từ quan về dạy học, viết sách cho đến cuối đời.

Dưới thời Dân chủ Cộng hòa, nước ta có những tấm gương như cụ Tạ Quang Bửu từ chức bộ trưởng quốc phòng để bàn giao cho người phù hợp hơn là cụ Võ Nguyên Giáp. Rồi Thứ trưởng Y tế Tôn Thất Tùng những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc từ bỏ việc giấy tờ chỉ vì thích làm chuyên môn hơn. Có những ứng xử khẳng khái, trong sáng thế thì ngành y tế mới lưu danh nhà khoa học - BS Tôn Thất Tùng.

Đấy là từ chức vì lý do cá nhân. Còn từ chức vì lý do trách nhiệm - có thể là vì khuyết điểm của cá nhân mình, của ngành mình phụ trách, hay khuyết điểm của những người dưới quyền mình quản lý thì lịch sử Đảng vẫn còn lưu. Ấy là Tổng Bí thư Trường Chinh và một loạt vị thường vụ Bộ Chính trị như Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt và một số vị cấp dưới như Hồ Việt Thắng… đã từ chức vì những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất. Bằng việc từ chức, các vị ấy không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trước công việc, mà còn giúp khôi phục được uy tín của Đảng vào giai đoạn đầy thử thách.

Văn hóa từ chức đó dường như càng về sau càng mai một. Gần đây nhất, chỉ có hai trường hợp là Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ - từ chức vì lý do trách nhiệm trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng Giao thông Đào Đình Bình - cũng từ chức vì lý do trách nhiệm trong vụ án PMU18. Tất cả đều trong nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa IX, Quốc hội khóa XI.

Làm thế nào để gỡ, để phục hồi được văn hóa từ chức, mà nói rộng hơn là văn hóa chính trị? Giải pháp không đâu xa, chính là phiếu tín nhiệm. Quốc hội vẫn có những hòm phiếu rất to mà ít khi sử dụng. Vậy thì nay, cứ mỗi kỳ họp, để hòm phiếu ấy ngay cửa hội trường, yêu cầu trong thời hạn 1-2 ngày, đại biểu Quốc hội phải bỏ phiếu vào đó, nêu rõ cử tri của mình muốn và không muốn bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng nào. Kết quả kiểm phiếu được báo cáo Quốc hội, cụ thể ai, tỉ lệ yêu cầu thế nào. Nếu ai đó bị 20% thì Quốc hội thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm. Còn dưới đó thì tùy mức mà xin từ chức, hoặc kê cao gối yên tâm.

Còn nếu vẫn giữ cơ chế lấy phiếu tín nhiệm như một bước đệm để đi tới có bỏ phiếu tín nhiệm hay không thì phải thay đổi. Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên gắn với con người cụ thể, trong tình huống cụ thể. Tình huống đó thường xuất hiện khi xảy ra những sự cố lớn trong một ngành, lĩnh vực mà dư luận cho rằng người đứng đầu ngành đó đã không xử lý kịp thời, thích hợp để lại hậu quả nặng nề.

Cơ chế ấy khi đi vào vận hành quy củ sẽ tạo ra sức ép trách nhiệm rất lớn. Người đứng đầu ắt sẽ phải nỗ lực cao hơn nữa trong công việc của mình. Mỗi khi có sự cố xảy ra, họ sẽ phải ý thức được mối nguy cơ đe dọa tới mình và phải giải trình kịp thời, thường xuyên hơn mong nhận được thông cảm từ công chúng. Và khi thấy rủi ro khó cứu vãn, họ sẽ đủ khôn ngoan để xin từ chức sớm, thay vì bị luận tội trước Quốc hội.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

 

Tiếp tục thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm

Về đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định 165 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết. Việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh thông tin đánh giá cán bộ, có tác dụng kịp thời cảnh báo, nhắc nhở để cán bộ tự soi mình, phát huy ưu điểm, tự sửa chữa khuyết điểm, góp phần ngăn ngừa sự thoái hóa, biến chất, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời cũng là biện pháp tốt để quản lý và bảo vệ cán bộ. Tuy nhiên, do đây là công việc mới, chưa từng làm, cho nên cũng còn có những hạn chế, khiếm khuyết, cần được kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh. Trung ương nhất trí điều chỉnh một số điểm trong Quy định 165 để tiếp tục triển khai thực hiện.

(Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm