ĐÃ NGHE ĐÃ THẤY

Luật hóa quyền biểu tình

Nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai), một trong số hai đại biểu QH đưa ra đề xuất trên, nhắc lại một câu chuyện lịch sử: “Hội họp, biểu tình là quyền dân chủ phổ quát, nằm trong tám điều yêu sách của dân ta mà Hồ Chí Minh nêu ra cách đây gần 100 năm. Những quyền ấy cũng được ghi nhận từ Hiến pháp 1946 đến nay nhưng lại chưa được luật hóa…”.

Ông cũng nhận xét thêm: “Biểu tình không chỉ là quyền của dân mà còn là lợi khí của Nhà nước. Cách mạng tháng Tám thành công, hiến pháp chưa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh về biểu tình, nhờ đó huy động lực lượng quần chúng rất lớn, làm chỗ dựa cho Chính phủ cả đối nội, đối ngoại...”.

Ý kiến của đại biểu QH Dương Trung Quốc “nhấn” đúng vào nhu cầu, nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân, muốn thể hiện chính kiến, thái độ của mình thông qua con đường hợp pháp, chính danh.

Ở góc độ luật học, việc ra đời của Luật Biểu tình sẽ quy định rõ ràng hơn bổn phận và trách nhiệm của cơ quan công quyền, góp phần khiến mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và những người tham gia biểu tình trở nên bình đẳng hơn, lành mạnh hơn: Cơ quan quản lý có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ hoạt động biểu tình, sao cho đúng pháp luật, đảm bảo an ninh công cộng và an toàn cho chính những người tham gia biểu tình.

Va chạm quan điểm là bình thường

“Nói chung va chạm quan điểm là bình thường, QH thì phải vậy. Chỉ không được phép chụp mũ hay đe nẹt nhau thôi. Đó là văn hóa nghị trường” - GS Nguyễn Minh Thuyết - người mà mỗi lần đăng đàn lại làm nóng các kỳ họp QH khóa XI, XII với những phát biểu hết sức thẳng thắn, khảng khái và mạnh mẽ - khẳng định khi trao đổi với báo điện tử VietNamNet.

Ông Thuyết kể lại câu chuyện: Trong các kỳ họp của QH khóa XI, có lần ông yêu cầu Thủ tướng Phan Văn Khải, trên cương vị đứng đầu Chính phủ, phải xin lỗi nhân dân “vì từ ngày thành lập nước tới nay chưa bao giờ có chuyện lãnh đạo nhiều bộ, ngành vi phạm kỷ luật, thậm chí phải ra tòa như khóa này”.

Ông nhớ lại: “Sau đó lên phát biểu trên diễn đàn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước QH và nhân dân. Giờ nghỉ, tôi đang đứng hút thuốc ngoài sảnh thì Thủ tướng bước đến. Ông bắt tay và trò chuyện với tôi rất cởi mở”. Cách ứng xử đó của Thủ tướng Phan Văn Khải đã được GS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá là “đàng hoàng, bản lĩnh” và khiến ông nhớ nhất.

QH rất cần một nền “văn hóa nghị trường” để lấy sự bàn bạc nghiêm túc và cởi mở thay cho việc chụp mũ và đe nẹt nhau - như GS Nguyễn Minh Thuyết mong muốn. Suy rộng ra: Làm sao để có dân chủ thực sự trong xã hội, mọi người dân đều được quyền phát biểu chính kiến của mình trên tinh thần xây dựng và chính quyền cũng coi sự “va chạm quan điểm là bình thường”.

Khi ấy mới có thể mong phương châm “dân biết”, “dân bàn”, “dân kiểm tra” được thực hiện một cách thực chất và hữu hiệu!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm