Luật hóa việc trưng cầu ý dân

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu quyền trưng cầu ý dân; quyền trình sáng kiến luật của ĐBQH theo tinh thần Hiến pháp (HP) năm 2013” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH) tổ chức tại TP.HCM, chiều 17-12.

Để dân quyết những vấn đề hệ trọng

Theo ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền, việc thể chế hóa các nội dung hiến định trong HP 2013 về trưng cầu ý dân trong bối cảnh hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng và phải hiện thực hóa việc này trên thực tế. “Trong bối cảnh càng khó khăn, phức tạp thì lại càng phải tiến hành trưng cầu ý dân để hiểu thực lòng dân và để nhân dân quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước mình. Đó chính là sự đề cao ý chí của người dân và không có gì quan trọng hơn quyết định từ lòng dân” - ông Thuyền nói.

Còn TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là rất hay và việc hiện thực hóa trưng cầu ý dân là thể hiện việc làm theo chủ trương trên một cách rõ ràng nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ trương rất hay này được thể hiện còn mờ nhạt. Có chăng đó chỉ là đưa ra những dự án luật để lấy ý kiến nhân dân. “Nhưng bản chất của việc lấy ý kiến dân và trưng cầu ý dân cũng là khác nhau. Lấy ý kiến nhân dân chỉ là để tham khảo thôi chứ dân đâu có được quyết định trong việc này” - TS Khiển nói và cho rằng đối với những vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, sự phát triển của quốc gia thì phải hỏi ý dân hoặc tổ chức trưng cầu ý dân.

Luật hóa việc trưng cầu ý dân ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền cho rằng việc thể chế hóa các nội dung hiến định trong Hiến pháp 2013 về trưng cầu ý dân là rất cần thiết và phải hiện thực hóa việc này trên thực tế. Ảnh: MINH CƯỜNG

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân hiện nay chỉ có giá trị tham khảo, tuy nhiên ngay cả việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng chưa được thực hiện cho đàng hoàng. “Anh tổ chức lấy ý kiến nhân dân thì người ta có quyền góp ý. Nhưng khi dân góp mà không đúng ý anh thì anh nói người ta nói tầm bậy, vậy làm sao được? Góp ý là quyền của dân, còn anh tiếp thu hay không tiếp thu là quyền của anh chứ sao lại chụp mũ?” - ông Thuyền bức xúc nói. “Khi đã thể chế hóa việc trưng cầu ý dân thành luật thì kết quả đó cần phải có giá trị hiệu lực bắt buộc để chấp hành” - ĐB Thuyền đề nghị.

Sớm ra luật về trưng cầu ý dân

Theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, mặc dù vấn đề trưng cầu ý dân được quy định từ HP 1946 và ở các bản HP sau đó (với các mức độ khác nhau) nhưng “điều đáng tiếc rằng trong hơn 68 năm qua, các quy định về trưng cầu ý dân chưa một lần được hiện thực hóa trên thực tế”. Một nguyên do rất quan trọng của “hiến định treo” này là vì những quy định của HP và luật pháp về trưng cầu ý dân còn những hạn chế nhất định.

Ông Thảo cho hay HP 2013 được đánh giá là đã thể hiện tính dân chủ cao. Trong đó, HP rất đề cao đến chủ quyền của nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. “HP 2013 cũng đã quy định cụ thể, đầy đủ và rõ ràng hơn về hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng hình thức dân chủ đại diện mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó có chế định trưng cầu ý dân” - ông Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo, trong thời kỳ đổi mới, việc coi trọng, mở rộng và đẩy mạnh cơ chế dân chủ, đặc biệt là cần phát huy hình thức dân chủ trực tiếp thì trưng cầu ý dân ngày càng được đề cao. Vì vậy, việc cần phải tiến hành nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện chế định dân chủ trực tiếp trong thời gian tới, cụ thể là yêu cầu xây dựng chế định pháp lý về trưng cầu ý dân là vô cùng cần thiết. “Bởi lẽ, việc này không chỉ tạo lập nên một hành lang pháp lý đủ mạnh, khả thi để triển khai trưng cầu ý dân trên thực tế ở Việt Nam mà còn là nhu cầu, yêu cầu cần thiết để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, qua đó xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân và vì dân” - ông Thảo nhấn mạnh.

Cần phải tập trung vào việc làm sao để thể hiện ý chí, quyền lực của dân nhiều hơn nữa. Còn nếu ta tập trung vào cái khác mà không lưu tâm thực sự đến điều này, nhất là trong bối cảnh dân khó khăn, đời sống phức tạp như hiện nay thì sẽ gây ra nhiều hệ quả khôn lường. Vì sao bây giờ người dân lại dễ phản kháng, chống đối người thực thi công vụ đến vậy, có lẽ vì họ đã bức xúc nhiều chuyện, không đồng tình nhiều chuyện và điều đó gây ra ức chế trong họ… Vì vậy, cần phải hiểu thực lòng dân và để dân tham gia vào việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.

ĐBQH NGUYỄN BÁ THUYỀN

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm