Luật phải quy định cứng số thứ trưởng

Ở các nước, khi dự tính có thêm một vị trí làm việc nhưng không có tiền ngân sách chi cho vị trí đó thì vị trí đó không “đẻ” ra được. Họ quy định chặt chẽ đến mức như vậy. Còn ở ta cho ra bao nhiêu ghế cũng được”. Đại biểu Trần Du Lịch
(TP.HCM) phát biểu như thế tại phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ chiều 21-11.

Đồng tình, đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) đề xuất: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ quy định cứng số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trường hợp cần thiết thì bổ sung thêm nhưng thêm không quá một thứ trưởng.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng cần xác định cơ chế chịu trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương chứ không phải việc gì cũng dồn lên đến Chính phủ. “Từ trước đến nay tôi rất bức xúc, bởi có những việc xảy ra rất rõ ở ngành, ở địa phương nhưng rồi cuối cùng vẫn đưa lên Chính phủ” - bà Thoại nói.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nhìn nhận trong dự thảo có bốn trang viết về chức năng của Thủ tướng, như vậy chẳng khác gì Thủ tướng làm quản lý cụ thể. “Thủ tướng là người lãnh đạo chứ không phải là người quản lý. Dự thảo luật này ít phân cấp, phân quyền, để Chính phủ, Thủ tướng ôm đồm quá nhiều việc” - đại biểu Thạch ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: “Từ vụ việc cho đầu tư ở đèo Hải Vân như vừa qua, tôi đề nghị khi có những quyết định làm hại cho đất nước, cho người dân thì Thủ tướng đình chỉ văn bản, hành vi của chủ tịch UBND tỉnh và thành phố đó. Chứ nếu chờ để xem văn bản, hành vi đó có trái với quy định của pháp luật hay không thì vụ việc sẽ không được xử lý kịp thời”.

Nhật Bản quy định chính phủ có 11 bộ, tám cơ quan cấp vụ, cục thuộc chính phủ. Quy định rõ số lượng cố định của các cấp thứ trưởng. Ví dụ, có 8/11 bộ có số lượng cố định thứ trưởng cấp cao là hai người/bộ; 3/11 bộ có số lượng cố định thứ trưởng cấp cao là một người/bộ.

TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm