Mở rộng thẩm quyền cho bộ đội biên phòng

Ngày 26-3, đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Công Hồng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo ngành công an, VKS, kiểm lâm, bộ đội biên phòng (BĐBP), hải quan… của TP Đà Nẵng về việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự.

Tại buổi làm việc này, Đại tá Lê Văn Phúc, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP TP Đà Nẵng, cho hay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia BĐBP đã phát hiện, bắt giữ và nhận được nhiều tin báo tố giác về tội phạm xảy ra trên khu vực biên giới. Theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), BĐBP là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng thẩm quyền của BĐBP cần được kiện toàn thêm một bước, vì nhiều tội danh hiện nay không thuộc quyền hạn điều tra của BĐBP. “Cần phải bổ sung quyền được ra lệnh bắt khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ cho chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh, thành và cho chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu” - Đại tá Phúc đề xuất và đề nghị cần mở rộng thẩm quyền điều tra của BĐBP đối với toàn bộ các tội danh và bổ sung tăng thời hạn điều tra cho lực lượng này. Đồng thời bỏ quy định “khi xét thấy cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc thực hiện tội phạm thì giải ngay người đó đến cơ quan công an và xin ngay lệnh bắt khẩn cấp có thẩm quyền”.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với các ngành chức năng của TP Đà Nẵng sáng 26-3. Ảnh: LÊ PHI 

Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo VKSND TP Đà Nẵng cũng cho rằng về thẩm quyền điều tra, theo quy định hiện hành chỉ có đồn biên phòng mới được quyền khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. Nhưng thực tế các cơ quan BĐBP cấp tỉnh, thành đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ phạm tội. Tuy nhiên, do luật không quy định BĐBP cấp tỉnh, thành có thẩm quyền tố tụng nên khi phát hiện vụ việc phạm tội BĐBP cấp tỉnh, thành lại phải đi giao vụ việc lại cho đồn biên phòng. “Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có BĐBP” - Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Phan Trường Sơn đề nghị.

LÊ PHI

 

Bổ sung chức danh điều tra viên trong cơ quan hải quan?

Tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Thuần, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Đà Nẵng, cho biết theo quy định hiện nay thì chỉ có người có thẩm quyền trong cơ quan hải quan mới được giao tiến hành điều tra ban đầu. “Lực lượng hải quan cũng chưa có bộ phận điều tra chuyên trách nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý” - ông Thuần nói.

Theo ông Thuần, hiện lực lượng hải quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và công tác phòng, chống tội phạm về ma túy qua biên giới. “Vì vậy, đề nghị Quốc hội cần xem xét bổ sung thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan hải quan đối với các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời, cần thiết phải bổ sung chức danh điều tra viên trong cơ quan hải quan” - ông Thuần kiến nghị.

Tuy nhiên, Đại tá Lâm Cao Luynh, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết qua thực tiễn hoạt động của các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra, Công an TP đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Tổ chức điều tra hình sự theo hướng thu gọn đầu mối, thành lập cơ quan điều tra chuyên trách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm