TRÊN TRẬN TUYẾN DIỆT THAM NHŨNG - BÀI 2

Mối nguy lớn: Tham nhũng ẩn trong chính sách

Nếu tham nhũng vặt được xem là phần nổi của “tảng băng” gây ra nhiều phiền hà, bức xúc cho người dân thì có thể nói phần chìm của nó đang ẩn mình trong các chính sách. Vậy tham nhũng đã xuất hiện ở giai đoạn nào của quy trình ra chính sách?

Sự “phục kích” của các nhóm lợi ích

Tại một hội thảo gần đây với cán bộ chủ chốt của TP Đà Nẵng về “Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã nhìn nhận: Ở VN đã có một số nơi bị ảnh hưởng bởi hoạt động lobby (vận động hành lang) nên đã tác động rất mạnh, làm méo mó việc đề ra chính sách.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, chuyện lobby ở VN đã có từ lâu và tồn tại ở hai dạng tốt và xấu. Lobby tốt tức là vận động, thuyết phục để cấp có thẩm quyền ra quyết sách biết rõ về một chính sách hữu ích. Trong khi đó, lobby xấu dẫn đến hệ quả là cho ra đời những chính sách vẹo vọ, chứa nhiều sơ hở và dễ bị lợi dụng. Tuy nhiên, lobby xấu hiện nay ẩn mình rất kín, nói như GS Võ “những việc cần đến sự khuất tất thì rất khó nhìn thấy”.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, cho rằng không có việc cả một chính sách bị tham nhũng thao túng mà chỉ có hiện tượng chính sách bị chi phối bởi một nhóm lợi ích nào đó và vì lợi ích nhóm, họ làm ngơ trước lợi ích của cộng đồng. “Ở đây có sự “phục kích trước” của nhóm lợi ích và họ lobby để ra một chủ trương chính sách có lợi cho mình. Và khi nó vừa ra đời là họ đón lõng để trục lợi” - ông phân tích.

Mối nguy lớn: Tham nhũng ẩn trong chính sách ảnh 1

Phá rừng “nghèo kiệt” để trồng cao su. Ảnh: Từ An

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), bổ sung: Thời gian qua, xã hội đã hình thành những tập đoàn lợi ích và vì lợi ích của mình, họ đã tạo ra nhiều “lực kích” tác động đến guồng máy ra chính sách và sự có mặt của tham nhũng đã làm cho những khe hở có lợi cho nhóm lợi ích bị lờ đi. “Chẳng hạn như các tỉnh không hiểu sao lại ban hành nhiều chính sách phá rừng trồng cao su một cách tràn lan. Người dân nhìn vào có thể hiểu ngay ẩn đằng sau nó là các nhóm khai thác gỗ đã “lót đường” chính quyền bằng các chính sách đóng dấu đỏ hẳn hoi. Ta làm sao giám sát điều này khi tham nhũng che mắt chính quyền bằng chính quyết định của họ?” - ông Đằng đặt vấn đề.

Những kẽ hở của quy trình

“Đã xuất hiện dấu hiệu liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng.”

ÔngVŨ TIẾN CHIẾN, nguyên Chánh Văn phòng
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương
(phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XI)

“Nếu như tham nhũng không được đẩy lùi thì nên hiểu là tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, cơ chế đang là cơ chế nuôi dưỡng chứ không phải đẩy lùi tham nhũng.”

GS-TSĐỖ THẾ TÙNG, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (phát biểu tại hội thảo do Tạp Chí Cộng Sản và Viện Khoa học Xã hội VN tổ chức mới đây)

Như đã phân tích, nếu trong lobby có mặt của tham nhũng sẽ dễ làm méo mó mục đích phục vụ lợi ích cho cộng đồng của chính sách. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta đang vận hành nhiều chính sách hở - mảnh đất màu mỡ để cho tham nhũng thâm nhập, phát triển.

Lý giải nguyên nhân tạo ra kẽ hở trong chính sách, TS Nguyên cho rằng đó là do quy trình ra chính sách hiện nay có vấn đề, biểu hiện ở việc chưa chặt chẽ, đôi khi chưa xuất phát từ thực tiễn nên tạo ra độ vênh và kẽ hở để cho tham nhũng xuyên vào trục lợi. “Về mặt này, chính sách không nhằm mục đích tham nhũng nhưng bản thân nó đã tạo ra cơ hội để tham nhũng” - ông Nguyên nói.

Dẫn chứng về sự “có vấn đề” của quy trình ra chính sách, GS Đặng Hùng Võ nêu: Hiện nay nghị định thường do một bộ chuẩn bị cho nên dễ dẫn đến tình trạng bộ đó hướng tới việc thể hiện quyền lực của mình hơn là tạo thuận lợi cho dân. Tương tự, quy trình ban hành luật cũng do một bộ chuẩn bị rồi Chính phủ xem xét và một ủy ban của QH thẩm tra trước khi đại biểu QH thảo luận, thông qua. “Tuy nhiên, cơ chế một bộ đại diện cho Chính phủ và một ủy ban đại diện cho QH làm cho quyền của hai cơ quan này rất lớn. Nếu việc này không kỹ lưỡng; trình độ đại biểu không cao thì chính sách, pháp luật ban hành ra sẽ có chuyện ngay” - GS Võ lưu ý.

Ông Võ nêu câu chuyện dằng dai giấy đỏ, giấy hồng hơn chục năm để minh họa cho nhận định của mình. “Ai cũng thấy việc chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở nên thể hiện trên một giấy là tốt và tiện lợi cho dân rất nhiều. Thế nhưng việc thống nhất một giấy hay hai giấy kéo hơn chục năm trời mới xong. Từ khi có Nghị định 60/1994 đến khi ra Luật Đất đai 2003, rồi Luật Nhà ở 2005, cứ ganh nhau mãi chuyện ấy, đến năm 2009 mới kết thúc. Hai luật đều do QH thông qua nhưng Luật Nhà ở là do Bộ Xây dựng chủ trì, Luật Đất đai do Bộ TN&MT lo và sự chênh nhau đã tồn tại thời gian dài. Ở đây kẽ hở xây dựng pháp luật có hay không? Tôi cho rằng có! Và một giấy hay hai giấy thì nguy cơ tham nhũng đã khác” - GS Võ khẳng định.

Tham nhũng tiềm ẩn trong cơ chế

Theo PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch HộiKhoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM, điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là tham nhũng ăn theo chính sách và đi sâu vào bộ máy nhà nước. Hiện nay đang có những chính sách tạo nên cơ chế để cho tham nhũng có đất sống.

GS Võ thí dụ: “Cơ chế thu hồi đất của người này rồi giao trực tiếp cho người khác ẩn chứa nguy cơ tham nhũng rất cao. Nó thể hiện ở chỗ người đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp, được pháp luật cho phép, dùng quyền quyết định của mình lấy đất của chủ sử dụng này giao cho đối tượng khác; giá bồi thường cũng do người này quyết định; tiền thu của người được giao đất cũng do họ quyết định. Có thể nói với cơ chế ấy, việc tham nhũng có phát sinh hay không, nói đúng hơn là ở mức độ nào, chỉ còn tùy thuộc vào đạo đức của người đó”.

“Chúng ta hiện nay đặt ra một số cơ chế mà quyền quyết định của bộ máy hành chính quá lớn và chính điều đó kéo theo nguy cơ tham nhũng cao” - GS Võ đúc kết. Theo ông, để giải quyết điều này cần phải giảm tối đa quyết định hành chính trong các giao dịch. Cái nào thật sự cần sự có mặt, sự điều chỉnh của cơ quan nhà nước thì mới cần quyết định hành chính; còn không thì để người dân, tổ chức tự giải quyết với nhau trên cơ sở của luật định.

Xóa bỏ tệ xin-cho

Cần thấy rằng tham nhũng nằm ngay trong chính quyền, những người trực tiếp thực hiện các chính sách nên họ rất nhạy bén với việc phát hiện những kẽ hở, kẽ nào to, kẽ nào nhỏ và chỗ nào có thể chui vào được. Vì thế phải bịt kín các kẽ hở ngay trong chính sách; mà việc đầu tiên là cắt bớt các quyền can thiệp của cơ quan hành chính, xóa bỏ dần tệ xin-cho.

TSNGUYỄN HỮU NGUYÊN,
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam

Vẫn “nửa dơi nửa chuột”

Hiện nay đang có sự lợi dụng khái niệm cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để trục lợi. Đáng lẽ sau hơn 25 năm đi vào kinh tế thị trường thì quy luật kinh tế thị trường phải phát huy đầy đủ tác dụng của nó. Thế nhưng bây giờ vẫn “nửa dơi nửa chuột”, vẫn cứ hay nói tôn trọng quy luật nền kinh tế thị trường nhưng về chính sách thì vẫn tồn tại sự độc quyền, duy trì cơ chế xin-duyệt, ẩn chứa bên trong đó nhiều nguy cơ tham nhũng.

GSTRẦN ĐÌNH BÚT

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm