Một niềm vui lớn

Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert Langlands đã phát triển một lý thuyết nối hai nhóm của toán học là số học và các cấu trúc đại số. Lý thuyết này có tên gọi “chương trình Langlands”, nghiên cứu tính đối xứng kết hợp với phương trình số học. Suốt 30 năm qua, chương trình Langlands thu hút sự quan tâm của những nhà toán học nổi tiếng nhất thế giới. Trong quá trình cố gắng chứng minh chương trình Langlands, nhiều thành tựu kiệt xuất của toán học đã ra đời. Nhiều nhà toán học đã vinh dự nhận Giải thưởng Fields (giải thưởng cao nhất của toán học, tương đương giải Nobel trong một số ngành khác). Tuy nhiên, để hoàn tất công việc này vẫn còn một chướng ngại cực kỳ to lớn mà trước đây người ta chưa hình dung được hết khó khăn: đó là phải chứng minh “Bổ đề cơ bản”.

Năm 2004, cùng với Gerard Laumon, Ngô Bảo Châu chứng minh “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita”. Với công trình đó, anh cùng Giáo sư Laumon được tặng Giải thưởng danh giá của Viện Toán học Clay dành cho những thành tựu kiệt xuất nhất. Gần đây, Ngô Bảo Châu đưa ra một chứng minh thiên tài cho Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát. Chứng minh đó được cộng đồng toán học thế giới kiểm chứng là chính xác và được Time bình chọn là một trong 10 thành tựu khoa học kiệt xuất nhất của thế giới năm 2009. Với phát minh này, Ngô Bảo Châu hiện là ứng viên sáng giá cho giải thưởng toán học danh giá nhất - giải thưởng Fields.

Sinh năm 1972 tại Hà Nội, Ngô Bảo Châu đã hai lần được Huy chương vàng Olympic toán học quốc tế, nhận được học bổng du học tại Pháp. Tại đây Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm giáo sư Đại học Paris 11 năm 2004. Hiện nay, anh làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton ở Mỹ. Đây là nơi tập trung các nhà vật lý và các nhà toán học hàng đầu của thế giới.

Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết: Với uy tín của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã bỏ nhiều công sức vận động Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cấp kinh phí tổ chức các khóa học chuẩn bị kiến thức cho các sinh viên toán có năng khiếu đi làm tiến sĩ ở các trung tâm toán học hàng đầu thế giới. Rất tiếc là do những vướng mắc về cơ chế mà kế hoạch này không thực hiện được như mong muốn.

Trong bức thư gửi người thân, Ngô Bảo Châu tâm sự: “Qua theo dõi tình hình trong nước thời gian gần đây, cũng giống nhiều người khác, cháu cảm thấy băn khoăn nhiều. Các sự kiện xảy ra theo một trình tự logic đến mức đáng lo ngại… Bản thân cháu thì cho là nên hướng tiếng nói của mình về phía người dân, nhất là các bạn trẻ. Ai khi còn trẻ cũng có những giây phút khao khát hiểu biết và hướng thiện. Nếu những người lớn tuổi có tri thức trong xã hội mà để cái giây phút thiêng liêng đó trôi qua thì đó mới là điều đáng tiếc nhất. Suy nghĩ này đã thôi thúc cháu bắt đầu viết một cái blog tên là “thichhoctoan” để giúp các bạn trẻ thưởng thức toán học”.

Tuổi trẻ Việt Nam được tiếp sức bởi vinh quang mà nhà toán học trẻ tuổi đạt được sẽ lại càng trân trọng trách nhiệm công dân của nhà khoa học kiệt xuất ấy đối với đất nước thân yêu của mình.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm