Muốn dân làm đúng luật hay muốn phạt dân?

Sự đồng thời này tưởng cũng bình thường vì hai thông tư điều chỉnh hai nội dung khác nhau. Thông tư 11 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông. Thông tư 12 hướng dẫn việc đăng ký xe theo hướng đơn giản hóa giấy tờ. Chừng xem kỹ mới thấy hai thông tư được ban hành từ đề nghị của cùng một đơn vị là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội lại có vài điểm chỏi nhau và một câu hỏi được dư luận đặt ra từ đây: Bộ Công an muốn dân đi đăng ký xe đúng pháp luật hay muốn phạt dân bằng được?

Theo Thông tư 12, người đang sử dụng xe nhưng không có chứng từ chuyển nhượng, người mua xe qua nhiều đời chủ, người muốn đăng ký xe khác tỉnh… mà lâu nay gặp vướng mắc đều có thể dễ dàng làm thủ tục đăng ký, sang tên từ ngày 15-4-2013 đến ngày 31-12-2014. Thế nhưng ngoài lưu ý cần thiết “CSGT không được dừng xe đang chạy trên đường để kiểm tra, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, Thông tư 11 còn cho biết: Từ ngày 15-4-2013, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số…, nếu phát hiện người mua đăng ký trễ (quá hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua xe) thì CSGT sẽ xử phạt. Phải giải thích sao khi một mặt “kêu gọi” người dân đi đăng ký xe để ngành mình dễ quản lý, mặt khác lại “đe nẹt” nếu dân đi làm thủ tục thì sẽ phạt tiền? Nếu thực sự muốn dân vượt qua được những rào cản pháp lý để có cà vẹt hợp pháp từ đây đến cuối năm sau, tại sao Bộ Công an không tiếp tục căn cứ vào mốc cuối năm đó để ấn định thời điểm xử phạt cho phù hợp?

Không chỉ là thời điểm xử phạt, mức phạt tiền cũng là một vấn đề làm số đông không hài lòng. Theo Thông tư 11, hành vi không sang tên xe trong hạn định bị xử phạt theo Nghị định 71/2012 với mức 800.000 đồng-1,2 triệu đồng đối với xe máy và 6-10 triệu đồng đối với ô tô. Song theo dự thảo Nghị định mới (thay thế cả hai Nghị định 34, 71) mà Bộ GTVT đang hoàn chỉnh với dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 7-2013, mức phạt chỉ là 100.000-200.000 đồng đối với xe máy và 1-2 triệu đồng đối với ô tô. Không thể nói Bộ Công an không biết gì về “tính toán” công khai này của Bộ GTVT, vậy sao Bộ Công an vẫn đòi phạt nặng từ ngày 15-4?

Còn nhớ trước đây, để tạo điều kiện cho người dân thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Quốc hội đã ra nghị quyết cho phép các đôi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày luật cũ có hiệu lực đến ngày luật mới có hiệu lực đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm. Sau thời hạn đó, nếu không đăng ký thì họ mới bị “chế tài” theo luật mới.

Vì sao Bộ Công an không làm theo cách này để người dân có thời gian đi đăng ký xe và chỉ sau khi đã hết thời gian gia hạn mà họ vẫn không đăng ký thì mới bị phạt?

Xử phạt là một hình thức áp dụng pháp luật để Nhà nước truy cứu trách nhiệm những chủ thể vi phạm pháp luật. Vậy nên trong chuyện “xe chính chủ”, sẽ không ai phản đối Bộ Công an ra thông tư “phạt có nơi có chỗ, tuyệt đối không được phạt ở ngoài đường”.

Điều còn lại là phạt khi nào, phạt sao để đồng bộ, tránh chuyện ông chằng bà chuộc, ai làm gì thì mặc, bản thân mình chỉ biết phạt và… phạt mà thôi!

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm