Nền kinh tế có biểu hiện suy thoái

Ngày 20-4, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2012 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng việc sản xuất công nghiệp đình trệ, hàng hóa tồn kho lớn, nhiều DN phá sản, thu ngân sách giảm, tăng trưởng khó đạt mức 6%... cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu có biểu hiện suy thoái.

Sản xuất cầm chừng, DN khốn đốn

Theo ông Vinh, trong ba tháng đầu năm 2012, chỉ số CPI giảm mạnh khi chỉ tăng khoảng 2,55%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm trước đó. Bên cạnh đó, tháng 4, CPI cũng chỉ tăng dưới 0,1%, cụ thể là sẽ vào khoảng 0,06%. Tuy nhiên, việc lạm phát giảm mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I năm nay chỉ đạt 4% và là mức thấp nhất trong khoảng hai năm gần đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những khó khăn cho nền kinh tế.

Thống kê của Chính phủ cho thấy hiện sức mua giảm, tiêu thụ chậm, chỉ số hàng hóa tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong quý I-2012 cả nước giảm 6% số lượng DN thành lập mới và giảm 10% về số vốn đăng ký. Đáng lo ngại là hiện có tới trên 2.400 DN đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 11.600 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Như vậy, số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Nền kinh tế có biểu hiện suy thoái ảnh 1

Hiện sức mua nhiều mặt hàng giảm, chỉ số hàng hóa tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng kỳ. Ảnh: HTD

“Tất cả khó khăn đó cho thấy, dù chưa thể kết luận chính xác, đã có những biểu hiện của sự suy thoái kinh tế” - ông Vinh nhấn mạnh và cho biết Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, trong tháng 5 sẽ báo cáo Chính phủ cụ thể về số lượng DN phá sản. “Rõ ràng việc chúng ta siết chặt việc tăng trưởng, tiền tệ… đã và đang khiến sản xuất đình đốn, trì trệ” - ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng chỉ ra một mối lo ngại khác từ việc lần đầu tiên chúng ta xuất siêu và nhập khẩu thì giảm mạnh. “Việc kim ngạch nhập khẩu quý I chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2011, giảm mạnh so với mức tăng cùng kỳ năm trước (23,8%) là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế” - ông Giàu nêu ý kiến.

Rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%

Trước những khó khăn trên, ông Vinh cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo hướng bảo đảm chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát năm 2012 khoảng 8%-9%. Đồng thời, tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng nhằm giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, tăng cường các biện pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, các DN nhỏ và vừa.

Riêng về mục tiêu tăng trưởng, ông Vinh cho rằng rất khó đạt mức 6%. Tuy nhiên, ông Vinh cho hay Chính phủ sẽ không vội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu khác mà chờ tới tháng 5 sẽ đưa ra chính sách điều chỉnh.

Trái lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu để mục tiêu tăng trưởng thấp nữa thì không bảo đảm an sinh xã hội, do đó việc để mức tăng trưởng 6% là hợp lý. Ông Hùng cũng lưu ý không thể chủ quan với lạm phát, đặc biệt là tình trạng lạm phát âm. Đồng thời, không thể tiếp tục lùi kinh tế thị trường vì nếu cứ nén giá xăng, giá điện rồi đến lúc bung ra là “căng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì đề nghị nghiên cứu điều chỉnh một số chính sách thuế để hỗ trợ DN, song song với đó cơ cấu lại nguồn thu, chi theo hướng hiệu quả, bền vững hơn, hỗ trợ tích cực DN, người dân vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thận trọng khi ban hành các loại phí mới

Không trực tiếp đề cập đến các đề xuất mới đây của Bộ GTVT về việc ban hành phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí đi vào trung tâm TP trong giờ cao điểm nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý: “Việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, không làm tăng chi phí của DN, không gây khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin”.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm