Ngư dân vi phạm sẽ được xử lý mềm hơn

Ngư dân vi phạm sẽ được xử lý mềm hơn ảnh 1

Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân VN Nguyễn Văn Hiến - Ảnh: Đ.Bình

Tư lệnh Hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến cho biết:

Đường dây nóng giúp bảo đảm môi trường thiện chí

Trao đổi với báo chí bên lề ANCM-5, ông Tan Sri Abdul Aziz bin Hj Jaafar, tư lệnh hải quân Malaysia, cho rằng nếu đường dây nóng giữa lực lượng hải quân ASEAN được thiết lập sẽ có tác dụng thông tin nhanh chóng những vụ việc xảy ra trên biển, giúp hải quân phản ứng nhanh hơn. Ông Tan nói: “Nếu có một tàu cá bị bắt, đường dây nóng sẽ cung cấp trợ giúp một cách nhanh chóng. Còn nếu tàu cá bị bắt trong khu vực tranh chấp, cách tốt nhất là thả ra, bởi vì bất cứ một hành động nào khác cũng làm tranh chấp thêm căng thẳng. Đó là lý do vì sao chúng tôi ở đây, để bảo đảm rằng có một môi trường cho các hành động thiện chí”.

Thúy Ngân

- Tại hội nghị này, hải quân VN đã đưa ra hai sáng kiến để thảo luận. Thứ nhất là nâng cấp hội nghị không chính thức này lên, vì trước đây chỉ là hội nghị tương tác - gặp gỡ hải quân ASEAN. Còn từ lần này chúng ta nâng lên tầm chính thức là hội nghị tư lệnh hải quân.

Thứ hai, hội nghị này sẽ luân phiên tổ chức theo hình thức tự nguyện đăng cai hằng năm và trước mỗi hội nghị sẽ có nhóm công tác các sĩ quan tham mưu làm việc trước để nâng cao tính hệ thống. Ngoài ra, để tránh va chạm không cần thiết trên biển và để tạo sự thân thiết, gần gũi trên biển giữa hải quân các nước ASEAN thì hội nghị (mà ở đây là VN) đưa sáng kiến tàu, máy bay của hải quân ASEAN khi gặp nhau trên biển sẽ đánh tín hiệu, nháy đèn, vẫy cờ, máy bay nghiêng cánh chào “Hải quân ASEAN”.

* Hiện vẫn tồn tại vấn đề ngư dân VN bị đe dọa, tịch thu phương tiện trong quá trình sản xuất trên biển. Hải quân VN sẽ làm gì để bảo vệ họ?

- Trong quá trình trao đổi riêng, tôi đã làm việc với tư lệnh hải quân hai nước mà ngư dân ta hay vi phạm và bị xử lý cứng rắn nhất là Malaysia và Indonesia. Tôi nói với họ rằng ngư dân VN là ngư dân nghèo đánh cá, trình độ hiểu biết của ngư dân có hạn, việc họ vi phạm vùng biển là không chủ ý và không có ý xâm phạm chủ quyền.

Vì nhu cầu mưu sinh, nên nếu có vi phạm thì trong lúc chúng ta đang thỏa thuận phân chia chủ quyền giữa hai nước, trong lúc VN đang tăng cường giáo dục ngư dân về Luật biển, trong lúc ta chuẩn bị tiến hành hợp tác tuần tra chung trên biển để giảm thiểu các việc đó, tránh hiểu lầm cũng như ảnh hưởng đến quan hệ hai nước thì các tư lệnh hải quân đều ủng hộ.

Họ nói sẽ cố gắng xử lý không cứng rắn nữa đối với các trường hợp ngư dân VN vi phạm. Họ cũng nói không chỉ có hải quân theo dõi việc này mà nước họ cũng có nhiều lực lượng khác tham gia, như Indonesia có 12 lực lượng quản lý biển khác nhau thì họ chỉ lo được ở góc độ hải quân, còn các lực lượng khác họ không lo được, mà chỉ có thể tác động thôi.

* Hải quân là lực lượng chủ yếu bảo vệ chủ quyền biển đảo của tất cả các nước. Vậy tiếng nói chung của hải quân ASEAN đối với Trung Quốc là như thế nào?

- Qua trao đổi riêng với từng đoàn thì các đoàn đều ủng hộ phương án là nên xử lý tranh chấp với Trung Quốc và cả tranh chấp trong ASEAN phải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Luật biển năm 1982, rồi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và gần đây nhất là hướng dẫn thực hiện DOC vừa thỏa thuận được tại Bali (Indonesia) tháng vừa rồi. Đặc biệt phải tôn trọng DOC để giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, không đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực.

* Hợp tác hải quân ASEAN đã góp phần như thế nào vào việc giữ gìn hòa bình trên biển?

- Hải quân tất cả các nước đều giữ vai trò chủ chốt trong giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển nên hợp tác hải quân rất quan trọng. Lần này hải quân VN đưa thành hội nghị chính thức, được các nước ủng hộ nhiệt liệt và đồng thuận rất cao. VN đã mở ra nền tảng hợp tác hải quân, và đặc biệt quan trọng hiện nay vì an ninh biển không chỉ quan trọng đối với các quốc gia nằm bên bờ biển Đông mà cả các quốc gia không có biển của ASEAN, cả các quốc gia ngoài khu vực có lợi ích ở đây. Hợp tác hải quân vì thế vô cùng quan trọng, cần phải nâng lên tầm hội nghị.

Cần phải mở rộng các biện pháp cụ thể, và các biện pháp cụ thể phải được tiến hành trên thực tiễn. Hội nghị lần này hải quân các nước sẽ thống nhất đề xuất các sáng kiến, các biện pháp cụ thể và sẽ xích lại gần nhau hơn. Tôi cho rằng trước đây vấn đề biển nhạy cảm nên các hội nghị hải quân không gọi là hội nghị, mà chỉ có các hội nghị không quân, lục quân vì thật ra nó ít chồng lấn lĩnh vực mà cũng chỉ gọi là gặp gỡ. Mười năm qua, từ năm 2001-2010 chỉ có bốn hội nghị, có lần bị ngắt quãng từ năm 2005 đến năm 2010 mới tổ chức. Lần này chúng ta nâng lên thành hội nghị thường niên và có tổ chức thực hiện. Ta đã củng cố cấu trúc mới về hợp tác hải quân, góp phần tạo nên cấu trúc lớn về hợp tác an ninh trong khu vực.

Theo Đ Bình ghi (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm