Nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụ?

LTS: Việc công an huyện Cao Lộc, Lạng Sơn không khởi tố vụ phóng viên Trần Thế Dũng, báo Người Lao Động bị hành hung, lấy xe… khi đang tác nghiệp đã tạo nhiều phản ứng trong dư luận.

Theo pháp luật hình sự, nếu người bị đánh đang thi hành công vụ thì dù tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%, cơ quan tố tụng vẫn có thể khởi tố vụ án. Có thể xem tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ hay không?

Ông Đinh Văn Quế, Chánh án Tòa hình sự TAND Tối cao, cho rằng: “Hiểu thế nào là “thi hành công vụ” để áp dụng Điều 257 BLHS (tội chống người thi hành công vụ) là vấn đề lớn, không hề đơn giản. Tác nghiệp của nhà báo theo Luật Báo chí đôi khi là thi hành công vụ nhưng chỗ nào thi hành công vụ, chỗ nào không thì phải xem trường hợp cụ thể” - ông nói.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Trung, cho rằng cơ quan báo chí ở Việt Nam đều trực thuộc tổ chức Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội chứ không phải báo chí tư nhân. Nhà báo đi thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao như đấu tranh, chống buôn lậu thì đó là việc công chứ không phải việc tư.

Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cũng đồng tình: Nhà báo được cơ quan báo chí cử đi công tác, thực hiện nhiệm vụ là thi hành công vụ. Ông cũng khẳng định: “Việc phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao Động được cử đi làm nhiệm vụ tìm hiểu thông tin, đấu tranh chống buôn lậu, tiêu cực thì không thể nói rằng phóng viên làm vì động cơ, lợi ích cá nhân. Tôi nghĩ có thể khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ, cả về mặt pháp luật cũng như tình cảm không ai chấp nhận những hành động côn đồ như thế. Đừng viện dẫn vào vỏ bọc của từ ngữ để ngụy biện”.

Nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụ? ảnh 1

Nhà báo Trần Thế Dũng với khuôn mặt bị đánh bầm, sưng húp (ảnh nhỏ) khi đi tìm thông tin việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại Lạng Sơn. Ảnh: CTV

Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết: “Xưa nay chỉ mới quan niệm nhà báo được tổng biên tập cử đi tác nghiệp, có giấy giới thiệu mà bị chống lại là chống người thi hành công vụ nhưng thực tế chưa được áp dụng vì chưa có văn bản hướng dẫn”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, cũng băn khoăn: Khái niệm thế nào là “thi hành công vụ” để áp dụng Điều 257 thì “liên ngành chưa có hướng dẫn gì cả”.

Thiếu tướng Trần Đình Nhã kiến nghị: TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần cùng nhau sớm ra một thông tư liên tịch hướng dẫn Điều 257, thống nhất về đối tượng, hành vi thế nào là “thi hành công vụ”.

Công vụ báo chí khác công vụ hành chính

Xác định hoạt động báo chí có phải là thi hành công vụ hay không thì phải phân định rất rõ ràng. Hoạt động báo chí rất khác với những hoạt động hành chính khác, có lúc ta thấy không phải đang hoạt động nghiệp vụ nhưng lại là hoạt động nghiệp vụ. Cho nên, ta phải xác định rõ thời điểm, thời gian, môi trường, bối cảnh hoạt động… để biết là nhà báo có đang thực thi nhiệm vụ trong phạm vi tòa soạn giao hay không...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ĐỖ QUÝ DOÃN

Phải khởi tố vụ án

Trong vụ việc trên, công an đã có tài liệu xác định nhà báo Trần Thế Dũng bị chấn thương do bị đánh chứ không phải vì té ngã; đã xác định được anh bị lấy đi chiếc xe máy, đã xác định người lái xe đưa anh đến trụ sở công an và người lái xe cũng thừa nhận là có đánh anh Dũng… là sự thật khách quan của vụ việc. Anh Dũng cũng có những lời khai rất phù hợp với sự thật khách quan là mình bị nhiều người đánh, cướp đi chiếc xe máy trong lúc đang tác nghiệp… cạnh đó, vụ việc còn có dấu hiệu của việc đánh người có tổ chức, côn đồ và cản trở người thi hành công vụ…

Những dữ kiện trên cho thấy vụ việc đã có dấu hiệu của một vụ án hình sự nên theo nguyên tắc, công an phải khởi tố vụ án để thực hiện các biện pháp điều tra thích hợp. Khởi tố vụ án là chiếc chìa khóa đầu tiên để mở các ngóc ngách của vụ án. Nếu sau khi điều tra mà công an xác định không có cơ sở xử lý hình sự thì việc hủy quyết định khởi tố cũng không muộn. Vì thế tôi cho rằng trong vụ án này, công an phải khởi tố.

Về nội dung sự việc, tôi cho rằng có mâu thuẫn trong việc xác định tỉ lệ thương tật vì hồ sơ bệnh viện thể hiện là chấn thương sọ não kín, tụ máu hốc mắt… thì không thể có tỉ lệ 2%, do đó cần giám định lại.

Ông NGUYỄN THANH SƠN, kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

Diễn tiến vụ việc

- Tối 6-1, phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao Động đến thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) để tìm hiểu việc vận chuyển lậu gia súc trong dịp tết. Anh Dũng bị cả chục thanh niên đánh và lấy chiếc xe máy anh đang sử dụng. Cả nhóm khống chế anh Dũng lên xe, tiếp tục đánh đập rồi chở thẳng vào Công an thị trấn Đồng Đăng kèm câu nói: “Tao chở vào công an để xem mày làm được gì”…

- Ngày 8-1, anh Dũng được chuyển đến BV Việt Đức (Hà Nội) với thương tích là chấn thương sọ não kín, tụ máu quanh hốc mắt hai bên, mắt xung huyết… Sau đó, Công an huyện Cao Lộc xác định danh tính người lái xe đánh anh Dũng và tìm được chiếc xe máy bị vứt ở sát biên giới. Một tháng sau, công an huyện thông báo thương tật của anh Dũng là 2%, không khởi tố vụ án.

- Ngày 29-3, tổng biên tập báo Người Lao Động có công văn phản đối kết quả điều tra của Công an huyện Cao Lộc, yêu cầu xử lý đúng pháp luật vì đã đủ dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo điều 104 BLHS.

- Ngày 30-3, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo TP.HCM có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn phản đối thông báo của Công an huyện Cao Lộc.

V.TIẾN - T.NGUYỆT - V.TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm