Nhật sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng năng lực chấp pháp trên biển

Theo VOV, chiều tối 18-3, tại Phủ Thủ tướng Nhật, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Hai vị lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt-Nhật lên tầm cao mới: Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả các khuôn khổ, cơ chế hợp tác ở các cấp. Thủ tướng Nhật bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực chấp pháp trên biển. Về kinh tế, Thủ tướng Abe khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách ODA và sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hai bên tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á-Thái Bình Dương; cùng chứng kiến lễ ký các văn kiện về việc chính phủ Nhật cung cấp khoản vay 120 tỉ yen ưu đãi đợt 2 cho năm dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam (đoạn Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đoạn TP.HCM-Dầu Giây), dự án phát triển cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - Lạch Huyện, dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải.

Trước đó, theo TTXVN, sau khi có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Hạ viện Bunmei Ibuki và Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki bàn về việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa Quốc hội Việt-Nhật nói riêng, sáng 18-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu trước Quốc hội Nhật. Với chủ đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”, bài phát biểu có đoạn: “Việt Nam tin rằng các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của mỗi quốc gia chỉ đạt được khi mỗi quốc gia gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của khu vực và thế giới. Do vậy đối với những vấn đề tranh chấp trên biển, Việt Nam trước sau như một, kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Bài phát biểu đã được Quốc hội Nhật nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao.

Nhìn lại hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt-Nhật đạt không ít thành tựu. Điểm đáng lưu ý nhất là năm 2009, quan hệ song phương đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Điển hình vào năm 2011, Nhật là quốc gia đầu tiên trong tổ chức G7 công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Hiện nay Nhật và Việt Nam đang là thành viên trong các vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (TPP). Gần đây nhất, trong năm 2013 kim ngạch thương mại song phương Việt-Nhật đạt trên 25,6 tỉ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Trong năm qua, Nhật đã đầu tư 5,7 tỉ USD tại Việt Nam, chiếm 26,6% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

TLL - Đ.THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm