ĐỀ ÁN THÀNH LẬP, MỞ RỘNG CÁC THỊ XÃ, TP

Nhiều băn khoăn, vẫn bấm nút

Vấn đề phình to bộ máy, tăng chi xây trụ sở làm việc được nhiều đại biểu đề cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về các đề án của Chính phủ về việc thành lập một số thị xã, huyện và mở rộng TP ở sáu tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thái Nguyên, Thanh Hóa, ngày 14-5. Tuy nhiên, cuối cùng Ủy ban Thường vụ QH vẫn bấm nút thông qua các đề án này.

Chắc chắn là tăng biên chế

“Việc chia tách, thành lập mới nhiều đơn vị hành chính trong thời gian gần đây không thể nói là không tăng biên chế. Thực tế đã trả lời là ở việc này biên chế luôn luôn tăng. Khi chia tách, thành lập mới đơn vị hành chính có vi phạm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế không? Chắc chắn là có. Nói không tăng lương, tăng biên chế là không đúng nhưng cần cố gắng hạn chế điều này” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nêu ý kiến.

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Đức Hiển, tờ trình của Chính phủ quán triệt Nghị quyết 39. Nhưng thực tế tính sơ sơ thì việc điều chỉnh này đã tăng hơn 1.000 biên chế. “Phải nói thật với nhau là các địa phương này sẽ đòi tăng biên chế thôi. Vì có bộ máy mà không có người làm thì cũng khó. Nguy cơ tăng biên chế là hiện hữu, không tránh được. Vậy giải bài toán này như thế nào?” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước băn khoăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Một vấn đề đáng lưu ý được ông Sơn đưa ra: “Việc chia tách, thành lập mới nhiều đơn vị hành chính ở nhiều địa phương trong các phiên họp gần đây, phiên nào cũng xem xét. Xu hướng này ngày càng nhiều lên. Các lần trước, khi đưa ra xem xét việc điều chỉnh địa giới hành chính ở nhiều địa phương thì thấy có thiếu một số tiêu chí nhưng vẫn được Ủy ban Thường vụ QH thông qua”.

Đã khó khăn thì tiền phải tính cho kỹ

Cùng với vấn đề biên chế, việc lấy tiền đâu để nuôi bộ máy, xây trụ sở ở các địa phương này là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Việc chia tách, thành lập mới đơn vị hành chính làm tôi rất lo lắng vì số tiền chi cho việc này là rất lớn. Vậy lấy nguồn tiền nào để chi cho việc này?”.

Theo đại diện Bộ Tài chính, tiền chi thường xuyên cho tất cả địa phương này có tăng là 32 tỉ đồng/năm. Tiền chi cho địa phương xây dựng trụ sở do ngân sách trung ương một phần, nguồn ngân sách địa phương sẽ chi cho việc này gấp đôi ngân sách trung ương, số còn lại là xã hội hóa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết việc chia tách, thành lập mới, điều chỉnh địa giới ở sáu địa phương trên cần 1.700 tỉ đồng cho các dự án mà những nơi này đề nghị đầu tư. Trong đó có nhiều dự án đang đầu tư dở, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới. Đây là số tiền không lớn, có thể cân đối được trong các năm tới ở cả trung ương và địa phương.

“Mỗi đô thị ra đời, lương lậu lên, biên chế tăng, tất cả khoản chi đều tăng. Thế nhưng thời gian tới sẽ còn tiếp tục trình việc chia tách, thành lập mới đơn vị hành chính ở nhiều địa phương khác nữa. Trong việc này, Chính phủ phải tính kỹ, nếu không lại gây lãng phí, kém hiệu quả. Cần cân nhắc về vấn đề tài chính, nếu không chúng ta rất khó khăn. Khi hỏi tiền đâu mà chi cho việc này thì chẳng thấy đâu” - ông Phùng Quốc Hiển nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm