Nỗi buồn của vị phó chủ tịch hội

Cụ thể, ông cho biết HNB đã chủ động nắm bắt thông tin về các trường hợp nhà báo bị cản trở, đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, đã áp dụng cách làm phổ biến lâu nay là gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương nơi xảy ra sự việc để yêu cầu làm rõ và xử lý, song thật đáng tiếc là các văn bản gửi đi không có hồi âm. Ông Huệ nói đây là bất cập cần được mổ xẻ thấu đáo, bởi Điều lệ HNB đã nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của hội viên.

Sau phát biểu của đại diện HNB, gần 10 ý kiến phát biểu sau đó không ai đề cập tới vấn đề này, phản ánh thực trạng đúng như chính ông Huệ xác nhận, việc này đã không được quan tâm đúng mức. Thậm chí trong báo cáo chung của ba cơ quan chủ trì hội nghị (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, HNB Việt Nam) dài 12 trang cũng không có dòng nào về tình trạng này, dẫn đến chín giải pháp được nhấn mạnh cũng không đề cập giải pháp tháo gỡ thực trạng trên...

Thực tế qua các nghiên cứu đã công bố, việc cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo diễn ra chủ yếu vì nguyên nhân đối tượng muốn cản trở việc nhà báo thu thập và công bố thông tin. Việc không công bố được thông tin, theo một khảo sát trên diện rộng thì chủ thể bị thiệt hại chính là xã hội. Có lẽ vì thế trong Luật Báo chí và các văn bản dưới luật đều có những quy định cấm cản trở nhà báo tác nghiệp, thậm chí còn có chế tài rất nặng cho các hành vi đe dọa, cản trở, hành hung, hủy hoại tài sản của nhà báo (Điều 6 Nghị định 02/2011). Ngay chủ thể chịu trách nhiệm thực thi, giám sát các quy định này cũng đã được chỉ rõ đầu mối là Sở TT&TT các cấp. Song qua nghiên cứu, khảo sát lại thấy rất hiếm khi các quy định này được thực thi rốt ráo.

Vì thế một hội nghị lớn bàn nhiều việc quan trọng của giới báo chí lại không có ý kiến nào hưởng ứng một vấn đề nghiêm trọng như vậy thì thật đáng tiếc. Vẻ mặt ông Huệ vào cuối buổi trông thật buồn, nỗi buồn khi chính sự thiếu quan tâm đến sự an toàn của nhà báo có ở ngay trong đội ngũ.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm