Nữ anh hùng của người Pa Kô

Người nữ anh hùng của người Pa Kô ấy có tên là Kăn Lịch, năm nay tròn trèm tuổi 68. Trong chiến tranh, mệ là tay súng thiện xạ, bắn đâu trúng đó.

Nữ anh hùng tuổi 25

Năm 1957, đúng 15 tuổi, mệ Kăn Lịch tham gia hàng ngũ cách mạng, bất chấp gian khổ vượt rừng núi để mua mực, kim chỉ cho bộ đội. Một năm sau, mệ bị địch bắt giam ở Huế. “Bọn nó hỏi: Mày mua hàng về cho cách mạng phải không? Mệ trả lời: Tui thấy mấy ông dùng nên mua về dùng chứ có biết gì cách mạng đâu. Thế là chúng nó đánh. Ba tháng sau thì mệ được thả về” - mệ Lịch nhớ lại.

Nữ anh hùng của người Pa Kô ảnh 1

Mệ Lịch lúc còn trẻ. (Ảnh tư liệu)

Địch càn giết người trong bản như rạ, hễ thấy làng bản nào hó hé là nó càn. Bởi thế mà mỗi lần bộ đội về làng tiếp lương thực cũng khó lắm. Khi có giặc vào làng, người Pa Kô bẻ cành cây, đặt đá làm ám hiệu. Bộ đội đến thấy là rút vào rừng sâu, khi nào không có ám hiệu lại quay về bám bản, bám làng.

Sau khi ra khỏi nhà giam, mệ được bộ đội cho đi học chữ ở thầy Cu Nô, người phiên dịch chữ của đồng bào dân tộc ra tiếng quốc ngữ và ngược lại. Năm 1961, sau khi lận lưng được vốn chữ quốc ngữ, mệ thoát ly gia đình vào rừng sâu chiến đấu tập trung. Ngày đó, mệ như đóa hoa rừng hăng hái chiến đấu làm kinh hồn kẻ địch. Năm 1964-1966, đoàn quân tóc dài của mệ đã đập tan đồn địch ở A Lưới. Người thiếu nữ Pa Kô chỉ huy ấy trở thành nỗi khiếp đảm với lũ giặc cắn càn. Cùng năm đó, địch buộc phải rút về đồn Asho (Đông Sơn) sau khi bị mệ Kăn Lịch cùng đồng đội liên tục phá đồn, giết lính.

Chiến tranh đi qua, nữ anh hùng năm xưa lại cùng đồng bào nghèo chiến đấu với “giặc đói”.

Những năm ấy, nữ anh hùng tóc dài Kăn Lịch chỉ huy tới 49 trận đánh. Mệ dùng súng và các vũ khí tự chế giết được 150 tên địch, bắt hai tù binh và bắn rơi một máy bay chở phó sư đô đốc Mỹ. Mỹ-ngụy càn quét A Lưới, ráo riết tìm bằng được mệ. Cái đầu của mệ được rao giá cao cho ai tố giác và chỉ điểm. Trước sự ráo riết lùng sục của giặc, mệ lại phải rút vào núi rừng chiến đấu.

Năm 1967, mệ được tuyên dương anh hùng và trở thành nữ anh hùng người dân tộc đầu tiên của đất nước. Một năm sau, mệ được Bác Hồ gửi thư mời ra gặp mặt và tuyên dương. “Khi ra đến Hà Nội, mệ được tướng Giáp đến đón về gặp Bác Hồ. Bác ôm mệ rồi nói anh hùng thì nhiều nhưng nữ anh hùng dân tộc thì chỉ mình cháu. Việc làm anh hùng thì dễ nhưng giữ anh hùng mới khó” - mệ dụi nước mắt kể.

Đám cưới không chú rể

Bảy năm sau ngày tham gia cách mạng, người thiếu nữ Pa Kô Kăn Lịch vào độ 23 tuổi. Lúc ấy, mệ như một bông hoa rừng làm xao lòng bao chiến sĩ và trai bản cùng nếm mật nằm gai chiến đấu. “Ngày đó mệ có nhiều người theo lắm. Mà ở rừng sâu thiếu thốn nên thường nảy sinh tình cảm với nhau. Ngày đó, người ta tỏ tình bằng cách viết vào lá cây rồi trao tay. Nhưng mệ chỉ yêu ông Chiến thôi” - mệ Kăn Lịch ngượng ngùng nhớ lại tuổi đôi mươi của mình.

Chàng trai chiếm trọn trái tim mệ chính là ông Hồ Văn Chiến, lớn lên cùng mệ từ tấm bé. Đó cũng là một chiến sĩ bộ đội người dân tộc kiên trung cùng mệ bao phen vào sinh ra tử. Hai người hẹn cưới nhau vào ngày đất nước thống nhất.

Năm 1964, đơn vị và cấp trên đã tác hợp cho mệ và ông Chiến thành vợ chồng khi ông đang ở chiến trường Lào. Đám cưới được tổ chức trong rừng già và vắng mặt chú rể. Mệ quyết định cưới là để thực hiện tâm nguyện của người yêu truớc khi ra chiến trường. “Ông ấy viết thư về bảo cưới đi, lỡ sau này ông chết còn có vợ. Thế là tui cưới nhưng không có ông ấy” - mệ nhớ lại.

Nữ anh hùng của người Pa Kô ảnh 2

Mệ Lịch cùng anh hùng Hồ Vai (ngoài cùng bên phải) và các đồng đội từng chiến đấu bên nhau. (Ảnh gia đình cung cấp)

Năm năm không một tin tức, nhiều người bảo ông Chiến đã hy sinh và khuyên mệ nên cưới người khác. Bao nhiêu người đàn ông khác đến tỏ tình, cưa tán nhưng mệ từ chối hết để giữ trọn lòng thủy chung với chồng. “Năm 1969 thì tui trở về, tưởng bà ấy đã cưới người khác. Vậy mà bà ấy vẫn chờ đợi tui” - ông Chiến nhớ lại ngày vợ chồng đoàn tụ.

Sau ngày đoàn tụ, vợ chồng mệ Kăn Lịch được ra Bắc ăn học. Đến năm 1972, họ trở về chiến trường Bình Trị Thiên. Nữ anh hùng Kăn Lịch đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ quan trọng ở các cấp. Vợ chồng mệ cũng vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên cho các con.

Nuôi chín đứa cháu mồ côi

Sau ngày thống nhất, một số người thân của mệ mất đi để lại đàn cháu nheo nhóc. Vợ chồng nữ anh hùng Kăn Lịch đã bàn nhau nhận đàn cháu gồm chín đứa trẻ mồ côi mang về nuôi nấng trong ngôi nhà nhỏ. Hai ông bà đã phải còng lưng nuôi 12 đứa trẻ cả con lẫn cháu. “Bây giờ chúng đã lập gia đình cả rồi, nhưng nghĩ lại ngày tháng ấy khó ai mà khổ bằng. Một đàn con cháu nheo nhóc. Cuộc sống lo ăn từng ngày, cái đói cứ bám riết triền miên” - mệ Lịch nói.

Ngoài thời gian dành cho gia đình, nữ anh hùng năm xưa vẫn thường đến các trường tiểu học, trung học để nói chuyện về chiến tranh, về những lần gặp Bác Hồ cho trẻ em miền núi. Mệ trăn trở: “Phải giáo dục các cháu biết lịch sử của đất nước mình. Nếu lớp trẻ không biết cha ông chúng đã đổ xương máu như thế nào để có ngày hôm nay thì lịch sử nước nhà sẽ phai nhạt mất”.

Nữ anh hùng của người Pa Kô ảnh 3

Vợ chồng mệ Lịch ngồi kể chuyện chiến tranh. Ảnh: LÊ PHI

Mỗi khi rỗi, mệ Lịch cùng người chú ruột của mình là anh hùng Hồ Vai đi vào TP.HCM, ra thủ đô Hà Nội để nói chuyện đói nghèo. Mệ nói người đồng bào còn nghèo lắm, những căn nhà còn sập sệ, bữa cơm hằng ngày vẫn còn ăn sắn chấm muối, con cái đồng bào dân tộc cần học hành... Người Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều còn muốn làm kinh tế lắm nhưng không có tiền. Cũng những lần đi nói chuyện ấy, mệ kêu gọi đóng góp về hơn 10 tỉ đồng cho bà con dân tộc miền núi huyện A Lưới. Nhờ mệ, những ngôi nhà tranh nứa được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, chắc chắn hơn.

Bây giờ, người nữ anh hùng năm xưa ấy đã già, đã không còn sức đi lại nữa. Vậy mà lòng mệ vẫn luôn canh cánh nỗi lo. Mệ lo con cháu dân tộc mình nghèo đói, sợ thế hệ trẻ quên đi lịch sử của đất nước mình.

LÊ PHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm