Phải có cơ chế phù hợp để dân hưởng lợi từ đất đai

Vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai đã thu hút được nhiều ý kiến thảo luận tại Hội thảo khoa học - thực tiễn những vấn đề về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo do tạp chí Cộng Sản và Học viện Chính trị-Hành chính khu vực IV phối hợp tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 11-4.

Tại hội thảo, PGS-TS Trần Thị Minh Châu đến từ Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm ủng hộ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Theo bà Châu, xuất phát từ lập trường “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của thực tế phức tạp về đất đai hiện nay. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và từ sự yếu kém trong quản lý đất đai ở các cấp. Sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai mà là sở hữu chung của toàn dân nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Vấn đề chỉ là ở chỗ sở hữu chung thì phải có cơ chế quản lý sao cho phù hợp để người dân thực sự được hưởng lợi từ mảnh đất của họ.

Theo bà Châu, “tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch treo, đất bị thu hồi thì bỏ hoang còn người mất đất lâm vào cảnh thất nghiệp, khó khăn cho thấy quản lý của Nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu cần phải có trong chế độ sở hữu toàn dân. Những vấn đề này không thể né tránh bằng cách chuyển toàn bộ quyền quản lý đó cho khu vực tư nhân thông qua tư hữu hóa hoặc đa dạng hóa sở hữu đất đai. Ngược lại chỉ có thể giải quyết tốt các vấn đề này bằng đẩy mạnh cải cách trong cơ quan nhà nước, minh bạch hóa, công khai hóa cơ chế quản lý, sử dụng đất đai”.

Cùng bàn về vấn đề này, PGS-TS Ngô Quang Minh (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng điều quan trọng toàn dân được quyền gì và Nhà nước có cơ chế kiểm soát quyền lực của mình ra sao. Cán bộ công chức của Nhà nước là những người thực thi quyền lực nhà nước thì chỉ được làm gì? Nếu Nhà nước không làm đúng như thế thì phải chịu trách nhiệm gì, chế tài nghiêm như thế nào để người dân tin tưởng?

Bà Châu không ủng hộ sở hữu nhà nước về đất đai đồng thời cũng không tán thành việc Nhà nước đại diện quyền sở hữu. “Nhà nước không cần đại diện quyền sở hữu mà chỉ nên có ba quyền là quy hoạch, đánh thuế từ đất và xác định nguyên tắc sử dụng đất chung nhất. Ngoài ra, Nhà nước phải có một nghĩa vụ lớn là cung cấp các dịch vụ liên quan đến quản lý đất đai như vẽ và cập nhật bản đồ, giá đất…” - bà Châu góp ý.

Còn đối với vấn đề sở hữu tư nhân đối với đất đai, bà Châu cảnh báo dứt khoát sẽ có tình trạng đất đai tập trung vào một số người giàu có. Họ sẽ lợi dụng những người nông dân nghèo khổ gặp hoàn cảnh khó khăn để mua đất giá rẻ. Như vậy sở hữu tư nhân sẽ làm quay trở lại thời kỳ địa chủ. GS-TS Nguyễn Đình Kháng (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị) cũng cho rằng Bộ luật Hồng Đức thời phong kiến cũng đã quy định về tư hữu hóa đất đai, tuy nhiên thực tế lịch sử cho thấy tư hữu về đất đai thì người dân bị mất đất.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm