Phải làm rõ sự chậm trễ!

Còn nhớ trong lần kiểm toán năm 2002, KTNN đã từng có kiến nghị với Petrolimex về vấn đề này. Hơn 20 năm qua, định mức hao hụt vẫn được các đầu mối quyết toán theo Quyết định 758/1986 của Bộ Vật tư. Theo KTNN, mặc dù đã có nhiều tiến bộ khoa học- kỹ thuật và công nghệ mới nhưng định mức hao hụt ấy không được điều chỉnh, sửa đổi dẫn tới có khả năng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Cụ thể bốn năm trước, Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã phát hiện tại nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có việc chia chác với tư nhân “ăn” tỉ lệ hao hụt này do thực tế thấp hơn định mức. Ở Công ty Xăng dầu Hàng không, lãnh đạo “móc”với Công ty Bảo Anh chia nhau cả chục tỉ đồng theo tỉ lệ hao hụt của 620 triệu lít dầu. Giám đốc Bảo Anh khai nhận đã “lại quả” cho lãnh đạo Công ty Xăng dầu Hàng không 10 đồng/lít, sau nâng lên 12 đồng/lít. Tương tự, lãnh đạo Công ty Xăng dầu Hàng không “móc” thêm một số cá nhân ở HTX Vận tải Mê Kông và Công ty Đông Xuyên để chia nhau với số tiền “hao hụt”của hơn một triệu lít…

Tại buổi họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Lê Minh Khái thừa nhận đây là bất cập tồn tại đã lâu và đã được phát hiện những năm trước nhưng chưa được khắc phục. Đến nay, KTNN phát hiện lại thì ý nghĩa không còn nhiều. Bởi từ 2009, hoạt động kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp tự quyết định giá và Chính phủ không bù lỗ. Tuy nhiên, ông cho biết báo cáo kiểm toán vẫn đề nghị các bộ, ngành liên quan sửa đổi định mức này, không để doanh nghiệp lợi dụng đẩy chi phí để trốn thuế. Bộ Vật tư hiện đã giải tán, các vấn đề về quản lý xăng dầu tiếp tục được chuyển sang Bộ Thương mại. Nay bộ này lại sát nhập với Bộ Công nghiệp nên không ai rõ trách nhiệm về việc chậm sửa đổi này thuộc về ai. Vì vậy, người dân mong muốn cùng với việc sửa đổi này, trách nhiệm của những người chậm trễ cũng cần được làm rõ.

PHAN NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm