XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ Ở TP.HCM

Phải trả lời câu hỏi: Dân được gì?

“Xây dựng và thực hiện đề án chính quyền đô thị (CQĐT) ở TP.HCM, chúng ta luôn luôn phải đặt và trả lời câu hỏi: Dân được gì? Bây giờ chó chạy rông ngoài đường, rác rến đầy khắp nơi nhưng dân không biết kêu ai. TNXP có đấy nhưng cũng không có thẩm quyền xử phạt. Rồi thì đâm chém nhau, gọi công an có mặt liền không? Công an phường hiện nay chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý hành chính, người ít, có khi đổ máu rồi mới tới... Vì thế, xây dựng CQĐT phải giải quyết được những bất cập này để người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn”.

Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng phát biểu như vậy tại buổi tham vấn lấy ý kiến chuyên gia và các vị ủy viên Thường trực HĐND các khóa về đề án CQĐT do Thường trực HĐND TP.HCM (khóa VIII) tổ chức ngày 22-8.

Áo chật nhưng đừng nóng vội

Đây là quan điểm được nhiều đại biểu (ĐB) cùng chia sẻ khi thảo luận về đề án này. “Rõ ràng cái áo đã chật, như hiện nay ta bị bó tay nhiều chuyện, phải tìm ra cơ chế mới phù hợp. Vì thế đề án CQĐT ở TP.HCM rất cần nhưng phải làm thật kỹ. Không thể đem 8-9 triệu dân ra thí điểm rồi nói mai mốt sai đâu sửa đó rồi sửa đâu sai đó được” - một vị ĐB cảnh báo.

Phải trả lời câu hỏi: Dân được gì? ảnh 1

Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng (trái) cho rằng khi có quyền chủ động thì TP sẽ phát triển nhanh hơn và đóng góp nhiều hơn. Ảnh: TH

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thanh Diệu, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND TP khóa VII, đặt câu hỏi: “Tại sao phải chạy đua về thời gian? Tôi rất băn khoăn. Theo tôi, đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, không việc gì phải làm gấp gáp”.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: Đề án được TP nghiên cứu từ năm 2007, sau đó xếp lại. Bây giờ có chủ trương cho TP tiếp tục nghiên cứu trình các cơ quan trung ương để đưa vào thực hiện, tinh thần là nếu kịp thì trình kỳ họp QH cuối năm nay. “Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy có ý kiến là phải làm thật kỹ, có lộ trình. Quan điểm là thận trọng, chặt chẽ, có bước đi hợp lý, lắng nghe đầy đủ ý kiến các thành phần trong xã hội chứ không phải trình kỳ họp tới bằng bất kỳ giá nào. Phải an tâm mới trình” - bà Tâm khẳng định.

Chuyện gì cũng phải xin

Nhấn mạnh sự cần thiết của đề án là chuyện “không cần phải bàn cãi”, bà Ngô Minh Hồng cho rằng hiện TP chưa được tự chủ, tự quyết định trong rất nhiều vấn đề. “Thử thống kê một tuần xem lãnh đạo TP phải “ăn dầm nằm dề” ngoài trung ương để xin chuyện này, hỏi chuyện kia hết bao nhiêu ngày? Có những chuyện nhỏ xíu vẫn phải đi xin” - bà Hồng tâm tư.

Dẫn chứng những vướng mắc về cơ chế tài chính hiện nay, bà Hồng nêu thực trạng: “Tiền làm ra không được xài, muốn xài phải đi xin. Trong khi đó thì nào trường học, nào bệnh viện, nào đường sá… tất cả đều rất cần tiền để đầu tư xây dựng. Tổ chức bộ máy, nhân sự cũng vậy. Do đó, đề án phải xác định rõ những việc của địa phương phải để địa phương làm. Khi có quyền chủ động thì TP phát triển nhanh hơn và cũng sẽ đóng góp nhiều hơn”.

Theo bà Hồng, người dân không quan tâm, không cần biết anh tổ chức chính quyền mấy cấp, đầy đủ hay không đầy đủ UBND, HĐND. “Họ chỉ cần biết lên phường giải quyết công việc cho gần, chứng giấy tờ phải nhanh chóng, xin phép xây dựng phải được giải quyết kịp thời... Đề án CQĐT phải giải quyết được những điều này” - bà Hồng kết lại.

Đụng 102 văn bản

Theo đề án, thẩm quyền của TP tăng lên và thẩm quyền của một số bộ, ngành trung ương bị ảnh hưởng. Rõ ràng là có xung đột lợi ích, vì thế phải có phương án thuyết phục. Ngoài ra, đề án cũng đụng chạm đến 102 văn bản hiện hành, kể cả Hiến pháp. Ban soạn thảo phải lý giải được tại sao đề án lại vênh với quy định hiện hành đến vậy. Phải nghiên cứu riêng về vấn đề này, làm rõ vênh vì quy định hiện hành quá cũ hay là do đề án quá mới. Nếu không sẽ gây nhiều nghi ngại trong những người phản biện.

PGS-TS MAI HỒNG QUỲ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Cán bộ mình giỏi quá!

Thực hiện đề án CQĐT thì công tác cán bộ phải thực sự đổi mới. Cán bộ nhà nước phải vừa hiểu biết chuyên môn vừa yêu nghề. Làm gì cũng vậy, làm công chức cũng vậy, phải đam mê, phải yêu nghề thì mới đầu tư phát triển nghề nghiệp được. Muốn vậy chế độ chính sách phải tương xứng, phải chuẩn hóa công việc, cán bộ cứ chuyên tâm phát triển chuyên môn mà lên. Chứ hiện nay tôi có cảm giác cán bộ mình giỏi quá, sắp vào đâu cũng được.

Bà TRẦN THỊ THANH DIỆU, Ủy viên Thường trực HĐND TP khóa VII

Quan tâm lợi ích nhóm

Cần quan tâm đến vấn đề lợi ích nhóm khi thực hiện đề án này. Lợi ích nhóm tác động rất lớn. Mở một con đường, rõ ràng là để phát triển kinh tế-xã hội nhưng người bị mất nhà, mất đất với người tự dưng ra mặt tiền thì tâm trạng cũng đã khác nhau rồi, huống hồ gì một đề án đụng tới chính quyền TP với bao nhiêu quyền lực thế này. Chẳng hạn, việc thành lập các TP Đông, Tây, Nam, Bắc phải làm rõ dân có muốn tách ra nhập vào như vậy hay không, đã đánh giá tác động xã hội một cách đầy đủ hay chưa…

Bà TRẦN THỊ BÍCH LIÊN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

T.HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm