QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI

Phải xử lý gấp nợ xấu và kích cầu

Sáng 22-5, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân, KTXH bốn tháng đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH tỏ ra lo ngại khi tình hình kinh tế đang rất khó khăn, số lượng DN phá sản lớn, nợ xấu cao…

Tô hồng đâu chữa được bệnh

Dẫn lại ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “kinh tế gay go lắm rồi” nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình KTXH của Ủy ban Thường vụ QH ngày 14-5, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhận xét: “Chúng ta cứ tô hồng, định bệnh thế này thì làm gì có thuốc chữa”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng băn khoăn: “Báo cáo của Chính phủ tốt như thế, vậy phải chăng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế không đúng?”.

Phải xử lý gấp nợ xấu và kích cầu ảnh 1

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng phải giải quyết càng nhanh càng tốt vấn đề nợ xấu. Ảnh: THÀNH VĂN

Tương tự, tại đoàn TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch nhận xét: “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ còn chưa sâu. Thực tế nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng”.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nhấn mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế cần xác định rõ mục tiêu và lộ trình kế hoạch thực hiện từng nội dung cụ thể; xác định nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành. Chính phủ cần có giải pháp kích cầu, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ các nút thắt cho DN; giải quyết tảng băng về thị trường bất động sản... 

Cho vay thì nợ xấu sẽ tăng

Đề cập đến câu chuyện lãi suất giảm nhưng DN vẫn không vay được vốn để đầu tư sản xuất, ông Đinh Xuân Thảo đặt câu hỏi “tiền đang đi đâu?”. Giải mã cho câu hỏi trên, ĐB Phạm Huy Hùng (Chủ tịch HĐQT VietinBank) cho biết ngân hàng hiện đang tồn đọng tiền rất lớn nhưng cái khó là “DN muốn vay thì lại có hàng tồn kho rất lớn, đầu ra bí, phương án kinh doanh không hiệu quả. Nếu ngân hàng cho vay thì khó mà thu hồi được nợ. Không thu hồi được nợ thì nợ xấu sẽ tăng lên”.

Còn đối với những DN làm ăn hiệu quả, theo ông Hùng, do sức mua của thị trường yếu nên họ cũng không dám vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng ta phải giải được bài toán nợ xấu. Với con số 500.000 tỉ đồng, tôi nghĩ chỉ cần Nhà nước bỏ ra 15-17 tỉ đôla là giải quyết được. Đây cũng là biện pháp mà nhiều nước đã thực hiện và rất hiệu quả” - ông Hùng nói.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết càng nhanh càng tốt vấn đề nợ xấu. Đồng thời, tìm giải pháp kích cầu để tăng trưởng kinh tế.

Nhìn nhận về nguyên nhân của thực trạng trên, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng “do phản ứng quá chậm của các cơ quan chức năng trước những khó khăn. Như vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho, hay vấn đề tái cơ cấu kinh tế sau năm năm có chủ trương và sau một năm thực hiện thì vẫn cứ nằm trên giấy”. Ông Thường cũng nhận định với thực tế như hiện nay thì khó có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 5,5% như chỉ tiêu QH giao.

Nhiều câu hỏi về quản lý vàng

Về cơ chế quản lý vàng hiện nay, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) đặt hàng loạt câu hỏi: “Thời điểm nhập vàng về với một lượng lớn, chênh lệnh giá thế giới trên 3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm chênh lệch đến 6 triệu đồng/lượng, trong khi chi phí tạm suất tái nhập chưa đến 1 triệu đồng/lượng. Vậy khoản lời chênh lệch này ai hưởng? Nhà nước, nhân dân có được lợi không? Thống đốc NHNN, Chính phủ có thể trả lời cho QH biết lý do gì mà lại có sự chênh lệch lớn như thế? Việc đấu thầu vàng hiện nay ai là người trúng thầu hay chỉ toàn ngân hàng? Giá đấu thầu lại do Nhà nước ấn định giá chứ ko theo giá thị trường. Vậy có còn gọi là thị trường vàng không? Quản lý thế này thì làm gì có thị trường vàng mà là do ngân hàng thống lĩnh thì đúng hơn!”.

Tiếp câu chuyện về quản lý vàng, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cũng cho hay: “Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, không ít ý kiến cho rằng quản lý thị trường vàng như hiện nay là NHNN đi buôn vàng chứ không phải quản lý. Nhiều ý kiến đề nghị NHNN cần công khai thời điểm nhập vàng, giá cả nhập bao nhiêu, chênh lệch thế nào…?”. Theo ĐB Thúy, việc NHNN quy định thương hiệu vàng quốc gia SJC là vượt quy định trong nghị định của Chính phủ. Trong khi nhu cầu quy đổi vàng của người dân không có và thực tế thì chất lượng vàng cũng không tăng lên. “Vì vậy trong phiên chất vấn tới đây tôi sẽ chất vấn NHNN vấn đề này” - ĐB Thúy nói.

Trong lúc nhân dân đang phê bình nhiều chính sách bất hợp lý thì nhiều bộ, ngành lại tiếp tục cho ra đời những chính sách bất hợp lý khác. Lâu nay ĐBQH thường thu thập thông tin từ báo chí. Nhiều năm qua báo chí cũng phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực. Vậy mà vừa rồi lại có đề xuất quy định cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin cho các cơ quan điều tra. Một chủ trương đi ngược với dân chủ và trái với thông lệ quốc tế. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét đừng để những chủ trương đẩy lùi phát triển, đi ngược dân chủ như vậy ra đời.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM)

Đại sự từ những chuyện tiểu sự

Diễn đàn QH là để bàn những việc đại sự nhưng có khi những đại sự ấy lại nằm trong những chuyện tiểu sự. Đó là việc bà con huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đổ xô săn tìm cây trâm cổ thụ bán cho thương lái Trung Quốc, là Hà Tĩnh xuất hiện những dãy phố Tàu toàn biển hiệu tiếng Trung... Những chuyện như vậy đang âm thầm hủy hoại nền kinh tế, dẫn tới nguy cơ chúng ta lệ thuộc vào bên ngoài. Lịch sử đã cho thấy chúng ta thường thất bại vì những chuyện tiểu tiết như thế.

… Tôi rất tiếc chưa bao giờ QH bàn về đối ngoại cả mà nếu họp có dính dáng đối ngoại một chút thì lại họp kín. Cứ như thế, rồi một ngày mà xảy ra động sự, QH sẽ có lỗi đầu tiên.

Khi ký hiệp định ngày 6-3-1946 với Pháp, trước bao ngờ vực, bức xúc của người dân, Hồ Chủ tịch đã mạnh mẽ ra trước đồng bào khẳng khái: “Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước!”. Giờ đây, chủ quyền quốc gia đang là vấn đề thử thách nhất. Tôi đề nghị những vấn đề như thế, dù nhạy cảm cũng phải đưa ra QH bàn.

ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai)

THÀNH VĂN - THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm