Pháp luật về VSATTP: Đụng đâu thiếu đó!

Theo TP, hệ thống văn bản pháp quy về quản lý sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm còn thiếu, chưa đồng bộ. Cụ thể là chưa có quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi tập trung, quy trình xử lý động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo tiêu chuẩn. Chưa có quy định xử lý đối với các trường hợp vi phạm có các chất kháng sinh tồn dư trong sản phẩm động vật. Chưa có quy định cụ thể về trình tự nội dung, phương pháp kiểm tra và xử lý vi phạm rau quả không đảm bảo chất lượng. Chưa có danh mục, quy định cụ thể về kinh doanh các chất bảo quản nông sản thực phẩm tươi sống. Chưa có hướng dẫn về xử lý vi phạm các chất cấm và tồn dư độc hại trong thủy sản...

Cạnh đó, tuy Thanh tra Sở Y tế đã được tăng cường biên chế nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, chưa thể thực hiện thanh tra thường xuyên, liên tục mà chủ yếu chỉ thực hiện thanh tra theo chiến dịch (theo từng đợt định kỳ và đột xuất). Phần lớn cán bộ thanh tra đều là cán bộ mới tuyển dụng, chưa đủ kiến thức, trình độ chuyên môn, không mạnh dạn, thiếu kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm. Đồng thời, do còn thiếu nhiều quy định và biện pháp xử lý, thiếu cơ chế bồi thường nếu kiểm tra nhanh thì không chính xác nên trong nhiều lĩnh vực, nhiều trường hợp (nhất là đối với nông sản và thủy hải sản) hoạt động thanh, kiểm tra mới chỉ mang tính chất giáo dục và nhắc nhở...

Vì những lẽ trên, TP kiến nghị Quốc hội nâng cấp Pháp lệnh VSATTP thành Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với luật mới này. Đồng thời, TP kiến nghị Chính phủ đầu tư thêm kinh phí cho chương trình đảm bảo VSATTP; kiện toàn hệ thống văn bản pháp quy; ban hành các quy chế phối hợp, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý thực phẩm. TP kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành cụ thể hóa việc phân công trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp trong công tác đảm bảo VSATTP.

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm