Phiếu tín nhiệm: “Cái khen thì sửa, cái chê lại giữ”

Thuộc nhóm đại biểu (ĐB) đề nghị chỉ nên có hai mức phiếu tín nhiệm là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đã có những phân tích cặn kẽ. Pháp Luật TP.HCM lược ghi các ý kiến của ông.

ĐB chưa có ý kiến mà đã dừng là chưa đúng

Trước khi góp ý về dự thảo tôi xin góp ý về cách làm. Thứ nhất, 500 ĐB Quốc hội (QH) đã biểu quyết thì đương nhiên Nghị quyết 35 đang có giá trị thi hành. Thế mà tự nhiên chúng ta lại dừng và tất nhiên khi dừng thì chúng tôi có đọc thư của chủ tịch QH gửi tất cả ĐB. Nhưng chúng tôi cho rằng lá thư không nói rõ ràng các ĐB có đồng ý hay không đồng ý. Tức là chúng tôi chưa thể hiện ý kiến mà đã sửa thì tôi cho rằng cách làm này không đúng, lần sau nên rút kinh nghiệm.

Nếu vẫn lấy phiếu thì nhiều đồng chí sẽ có cơ hội rất tốt, chắc chắn sẽ có phiếu cao như Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ GTVT, thống đốc ngân hàng và một số bộ trưởng khác… Nhưng nay cơ hội của họ lại mất. Cho nên việc dừng của chúng ta lẽ ra phải cân nhắc để đảm bảo tính hợp lý. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Theo tôi, quy định một nhiệm kỳ lấy phiếu một lần là ít, không đánh giá hết kết quả của cán bộ. Tôi đề nghị phải lấy hai lần, trong đó cuối năm thứ hai là lấy và cuối năm thứ tư lấy tiếp”. Ảnh: TV

Lấy một lần/nhiệm kỳ thì chẳng có ý nghĩa gì cả

Thứ hai là nội dung sửa cũng không hợp lý, bởi những gì người ta khen thì mình lại mang ra sửa. Còn cái người ta chê thì mình để lại. Tôi nói như thế vì sao, vì khi QH lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 nhân dân rất ca ngợi. Đây là một bước tiến mới của QH, nó thể hiện quan điểm, đánh giá, nhận xét về những người quản lý, kênh đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, mình lại đem bỏ cái đó đi.

Đối với ba mức phiếu, người ta rất chê. Cử tri nói đương nhiên phiếu nhiều là cao, phiếu thấp là thấp chứ việc gì phải tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Tôi phải xin lỗi cử tri, họ góp ý thì mình phải tiếp thu. Nhưng cái này QH quyết rồi. Do đó, lần này chúng ta phải rút kinh nghiệm.

Về nội dung của dự thảo, tôi đồng tình với phạm vi lấy phiếu tín nhiệm. Song quy định một nhiệm kỳ lấy phiếu một lần là ít, không đánh giá hết kết quả của cán bộ. Tôi đề nghị phải lấy hai lần, trong đó cuối năm thứ hai là lấy và cuối năm thứ tư lấy tiếp để xem họ có sửa chữa hay không và cũng là kết quả để xem kỳ sau chúng ta có tín nhiệm họ nữa hay không. Chứ nếu lấy một lần thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Làm phức tạp, dân sẽ chê

Về mức độ lấy phiếu là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, theo tôi chỉ nên quy định “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Anh nào nhiều phiếu là tín nhiệm cao, anh nào ít phiếu là tín nhiệm thấp, anh nào vừa vừa là tín nhiệm trung bình. Có vậy thôi mà chúng ta cứ làm phức tạp ra, dân người ta chê cho.

Do đó, tôi đề nghị cần phải nghiên cứu kỹ và tất cả đại biểu QH ở đây phải thể hiện chính kiến của mình. Theo tôi nghĩ, việc lấy phiếu tín nhiệm không có gì phải sợ, mục đích là thăm dò để xây dựng. Như có một số đồng chí trước đây khi lấy có số phiếu tín nhiệm thấp nếu để bỏ phiếu lần này chắc sẽ cao, vì trình độ của họ đâu có thấp, trình độ của ĐB cũng đâu có thấp và luôn thấy rất rõ các đồng chí có chuyển biến.

Về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm thì nên có sự cân nhắc. Nếu bị trên 50% ĐB đánh giá không tín nhiệm thì phải cho họ thời gian sửa chữa vì lấy phiếu là để thăm dò. Nếu đến lần thứ hai mà phiếu thấp tiếp thì mới buộc họ phải từ chức. Trường hợp 2/3 ĐB đánh giá tín nhiệm thấp thì cho họ nghỉ hoặc sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.

THÀNH VĂN ghi

 

Không hiệu quả thì phải thay

Chỉ nên duy trì hai mức tín nhiệm là tín nhiệm và không tín nhiệm. Anh ăn của dân mà làm việc không hiệu quả thì phải thay. Những người xả thân vì công việc, có thể có khuyết điểm này, khuyết điểm kia nhưng người đấy xã tắc mới cần, nhất là trong lúc đất nước khó khăn.

ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, Ủy viên Thường trực Ủy ban
Tư pháp của QH

Mỗi nhiệm kỳ lấy hai lần phiếu

Tôi cho rằng ở QH thì nên lấy hai lần, năm thứ hai và năm thứ tư thì mới đạt được mục đích.

ĐB TRẦN VĂN ĐỘ, An Giang

Lấy một lần có khi lại đi xuống

Đề nghị mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm hai lần để nâng cao trách nhiệm hiệu quả công tác và giúp người được lấy phiếu có điều kiện soi lại mình để có điều chỉnh. Chứ nếu mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần thì không biết người được lấy phiếu tín nhiệm đã làm gì, đã sửa chữa hay dậm chân tại chỗ hay có chiều hướng đi xuống.

ĐB TRẦN NGỌC VINH, Hải Phòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm