Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh:

“Phó tổng thanh tra kê khai tài sản đúng quy định”

Tại phiên chất vấn ngày 12-6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét thông tin nguyên tổng Thanh tra Chính phủ và phó tổng Thanh tra Chính phủ đương nhiệm có tài sản “khủng”.

Đề cập đến kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng của ngành thanh tra trong ba năm (2011-2013) giảm mạnh, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt vấn đề: “Tham nhũng đang được đẩy lùi hay công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng bị hạn chế?”.

Chống tham nhũng còn hình thức, kém hiệu quả

Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng nhưng số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít. Nguyên nhân là hành vi tham nhũng được che giấu bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và có phần do năng lực cán bộ thanh tra”.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) nóng lòng: “TTCP đánh giá các giải pháp phòng, chống tham nhũng thế nào?”. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thừa nhận: “Trong nhiều năm qua (2005-2012), Luật Phòng, chống tham nhũng đã ba lần sửa đổi và đưa ra chín giải pháp phòng ngừa. Trong đó, ba giải pháp có hiệu quả thấp và còn mang tính hình thức như minh bạch trong việc kê khai tài sản, thu nhập; nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng. Có hai giải pháp hiệu quả trung bình (chuyển đổi vị trí công tác và trả lương qua tài khoản). Có bốn giải pháp đạt hiệu quả tích cực là công khai tài sản, công khai, minh bạch hoạt động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng chế độ định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp; cải cách hành chính.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) chất vấn Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: TTXVN

TTCP chống tham nhũng từ nội bộ ra sao?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn: “Đảng, Nhà nước có quyết tâm chính trị rất cao trong phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn không đạt yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi. Tại sao? Chống tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng thì phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu và vấn đề gì là quan trọng, quyết định nhất?”.

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) hỏi thẳng: “Tổng TTCP cho biết công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra được thực hiện trong thời gian qua như thế nào và những giải pháp gì để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ngay từ trong nội bộ?”.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh giải trình: “Trong ba năm (2011-2013), toàn ngành đã có 85 cán bộ, công chức bị xử lý tính trên 28.000 cán bộ toàn ngành. Trong đó, xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 14 người và có 11 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Thời gian qua, việc xử lý cán bộ trong ngành chưa nhiều nhưng cũng cho thấy được sự kiên quyết của ngành thanh tra. “Vừa qua thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, chúng tôi cũng kiểm điểm sâu sắc việc này và tập trung những biện pháp khắc phục. Gồm có tăng cường giáo dục chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng gắn với phê bình, tự phê bình; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu quản lý, giám sát và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra…” - ông Tranh nói.

Lãnh đạo TTCP có tài sản “khủng”

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: “Báo chí vừa qua có nêu một phó tổng TTCP có quá nhiều tài sản, trong đó có nhiều cổ phiếu ở những doanh nghiệp mà cơ quan thanh tra đã từng đến thanh tra. Phản ánh đó có đúng không?”.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Sau khi báo chí thông tin thì TTCP đã yêu cầu Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh báo cáo trước Ban Cán sự Đảng về nguồn gốc và quá trình kê khai tài sản từ năm 2007 đến nay. Có thể nói, qua nhiều lần kê khai tài sản của nhiều năm, đối chiếu lại thì Phó Tổng TTCP Khánh kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật. Phó Tổng TTCP Khánh đã giải trình trước Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo TTCP và cũng gửi đến các cơ quan có chức năng để theo dõi, đối chiếu. Hiện Phó Tổng TTCP Khánh thuộc diện Ban Bí thư quản lý, cho nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào nắm tình hình, cùng phối hợp với Ban Cán sự Đảng TTCP đối chiếu tài sản của Phó Tổng TTCP Khánh với bản kê khai để xem mức độ chính xác như thế nào và sẽ có kết luận sau”.

Vụ việc của nguyên Tổng TTCP do Ban Bí thư quyết định

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) truy tiếp: “Dư luận về tài sản “khổng lồ” của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền có đúng không? Xử lý ra sao?”. Tổng TTCP thừa nhận: “Quy định pháp luật hiện nay chưa có quy định về kê khai tài sản của cán bộ đã về hưu. Đối chiếu kê khai tài sản khi nguyên Tổng TTCP Truyền còn đương nhiệm thì chưa phát hiện sai phạm, còn việc sau khi về hưu mà có tài sản lớn thì chúng tôi đang nghiên cứu để sau này bổ sung hoàn chỉnh quy định về phòng, chống tham nhũng. Do nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền thuộc Ban Bí thư quản lý nên Ban Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào nắm tình hình. Mọi việc do Ban Bí thư quyết định, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện”.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) bức xúc: “Còn việc bổ nhiệm một lúc 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu của ông Trần Văn Truyền thì sao? Thanh tra là tai là mắt của dân, tai phải rõ, mắt phải sáng mà sao chọn cán bộ như vậy?”. Tổng TTCP giãi bày: “Thông tin có những điểm rất chính xác nhưng cũng có lý do. Từ đầu năm 2011 đến tháng 8-2011 có việc bổ nhiệm 60 trường hợp, trước hết cũng do yêu cầu công tác cán bộ. Trong thời gian này TTCP tách, thành lập thêm ba đơn vị mới nên việc bổ nhiệm cũng phục vụ cho việc này. Tuy nhiên, có sơ suất về thời gian bổ nhiệm, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định, bằng cấp năng lực cán bộ cũng chưa đạt. Chúng tôi đã kiểm điểm và đang xử lý khắc phục”.

BÌNH MINH

Kết quả thanh tra phát hiện và xử lý tham nhũng

- Năm 2011: Phát hiện 150 vụ - 320 người có liên quan đến tham nhũng 267 tỉ đồng và 9,4 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 11 tập thể và 134 cá nhân, chuyển CQĐT 76 vụ - 159 người, xử lý trách nhiệm 32 người đứng đầu.

- Năm 2012: Phát hiện 89 vụ - 107 người có liên quan đến tham nhũng 104 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính hai tập thể và 56 cá nhân, chuyển CQĐT 24 vụ - 42 người, xử lý trách nhiệm 44 người đứng đầu.

- Năm 2013: Phát hiện 80 vụ - 90 người có liên quan đến tham nhũng 117 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính bốn tập thể và 28 cá nhân, chuyển CQĐT 11 vụ - 34 đối tượng, xử lý trách nhiệm 41 người đứng đầu.

(Theo Tổng Ttcp Huỳnh Phong Tranh)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.