Phòng chống tham nhũng: Chuyển biến nhưng chưa căn cơ

Chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức mình; bị cáo tham nhũng được hưởng mức án nhẹ, án treo gây bức xúc cho nhân dân; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách còn ít so với số vụ việc được đưa ra xét xử; phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế... Đây là nhận định chung được cả Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ trong hội nghị phối hợp công tác chiều 28-12.

Nể nang, ngại đấu tranh, phê bình

Ngay từ khi Luật PCTN được ban hành, Hội Cựu chiến binh đã lập ra một ban chuyên trách chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng. Nhiều tấm gương cựu chiến binh đấu tranh chống tham nhũng đã được vinh danh như Đại tá Vượng, Đại tá Cường ở quận Tây Hồ, Hà Nội... Tuy nhiên, như ông Lê Văn Mẹo, đại diện Trung ương Hội Cựu chiến binh phát biểu, gần gũi, sát cánh với dân trong PCTN mới thấy nhân dân còn nhiều suy tư. “Tới đây phải kiên quyết chống, tránh tình trạng trên nhẹ, dưới nặng mà dư luận lâu nay vẫn băn khoăn” - ông Mẹo nói.

Phòng chống tham nhũng: Chuyển biến nhưng chưa căn cơ ảnh 1

Hiện nay, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xãy ra tham nhũng trong cơ quan còn ít so với số vụ việc đã đưa ra xét xử như thế này. Ảnh: HTD

Chia sẻ với ý kiến của đại diện các tổ chức quần chúng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên còn thấp trong khi họ lại chính là đối tượng của tham nhũng, tiêu cực. Thực tế kiểm tra công tác PCTN ở địa phương cho thấy có những vụ việc rõ ràng trong nội bộ biết nhưng lại không đấu tranh, làm rõ đúng sai.

Dẫn lại kết quả hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua, bà Chuyền cho biết đã phát hiện một số vụ việc bản thân cấp ủy địa phương tự kiểm điểm, đánh giá là có sai phạm, xong lại không đề xuất kỷ luật. Cũng vụ việc đó, khi báo cáo lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị thì kết luận là đều phải xử lý nghiêm khắc ở mức khiển trách, kỷ luật. “Tình trạng đó cho thấy rõ hiện tượng nể nang, thiếu đấu tranh, phê bình” - bà Chuyền kết.

Ngại công khai khuyết điểm

Dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá: “Công tác PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực.., trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã có bước kiềm chế và có xu hướng giảm”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Vĩnh Trọng cho rằng cần đánh giá đúng mức, tránh tâm lý tự hài lòng. Trải nghiệm từ chuyện sinh hoạt khu phố của vợ ông là tổ trưởng dân phố, ông cho biết cuộc họp dân phố nào mấy cụ hưu trí cũng đều lên tiếng rất bức xúc về tiêu cực, tham nhũng. “Ý kiến của họ có thể chính xác hoặc không nhưng đều phản ánh suy nghĩ của dân. Cho nên PCTN vừa qua có chuyển biến nhưng chưa căn cơ” - Phó Thủ tướng nói.

Phân tích sâu vào hạn chế của công tác PCTN, cả Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phạm Thị Hải Chuyền đều cho rằng ý chí chính trị chung về chống tham nhũng thì trung ương mạnh, song xuống tới địa phương thì chưa thấy chuyển biến, chưa kiên quyết. Thậm chí gần đây khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành công khai từng bước kết quả kiểm tra, xử lý sai phạm của một số đảng viên, tổ chức đảng thì còn có những ý kiến phản đối, trái chiều lại xu hướng công khai, minh bạch đó.

Để khắc phục những yếu kém trong công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình nói trên, qua đó thúc đẩy công cuộc PCTN, Ban Chỉ đạo trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ VN thống nhất rằng cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên. Trước hết, MTTQ phải đề xuất và ban hành được quy chế “nhân dân giám sát tổ chức đảng và đảng viên” - vốn đã được Ban Bí thư phân công từ giữa năm 2007. Ngoài ra, MTTQ VN cần chỉ đạo MTTQ các cấp thực hiện nội dung đã được Nghị quyết Trung ương 3 quy định: “Hằng năm, cán bộ chủ chốt cấp xã phải trực tiếp phê bình và tự phê bình tại hội nghị đại diện nhân dân do MTTQ tổ chức”.

Mảng tham ô, cố ý làm trái ở Nông trường Sông Hậu: Xem xét thận trọng, khách quan

Chuẩn bị nội dung tham gia hội nghị này, sáng 28-12, Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã họp để có ý kiến về việc xét xử bà Trần Ngọc Sương. Thông báo với Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, Tổng Thư ký MTTQ VN Vũ Trọng Kim cho biết từ sau phiên sơ thẩm, MTTQ đã có văn bản kiến nghị nhưng chưa được các cơ quan tố tụng phản hồi... Theo ông Kim, quan điểm của Ủy ban Trung ương MTTQ VN là giải quyết vụ án này phải tính tới những yếu tố khách quan trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của nhà nước, cũng như nhân thân, công lao, đóng góp của bà Sương.

Phúc đáp ngay cho đại diện MTTQ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết ngày 29-11, ông đã nghe báo cáo và kết luận. Theo đó, đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao rút hồ sơ vụ án, có biện pháp xử lý đúng pháp luật. Việc thi hành án với bà Trần Ngọc Sương, các cơ quan cần trao đổi biện pháp bảo đảm đúng quy định pháp luật, lưu ý tới nhân thân, hoàn cảnh gia đình và sức khỏe đương sự. “Còn việc thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo về các dấu hiệu cố ý làm trái, tham ô đã được cơ quan điều tra, VKSND huyện Cờ Đỏ khởi tố vụ án thì cần xem xét, cân nhắc thận trọng, tức không khởi tố bị can thêm nữa” - Phó Thủ tướng cho biết.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm