QH thảo luận về kinh tế-xã hội: Lo ngại nhóm lợi ích chi phối nền kinh tế

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội ngày 30-5, nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra nghi ngại về các giải pháp vực dậy nền kinh tế trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, không loại trừ khả năng có nguyên nhân từ nhóm lợi ích chi phối.

Minh bạch để tạo niềm tin

ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho hay mối quan tâm của ông cũng như của nhiều cử tri bây giờ chính là những yếu kém kéo dài trên một số lĩnh vực chậm được khắc phục, hay nói rõ hơn là lúng túng trong cách giải quyết yếu kém. “Ví dụ như chỉ số hàng tồn kho công nghiệp, chế biến, chế tạo tăng, tồn kho bất động sản, nợ xấu vẫn ở mức cao. Hay như việc cắt giảm các công trình, dự án theo Nghị quyết 11 gây lãng phí lớn, tạo kẽ hở quay trở lại cơ chế xin-cho… Tôi đề nghị đừng để tình trạng: Dưới cứ kêu, trên cứ cắt, dân thì thắc mắc không biết nói ở đâu” - ông Tiến bày tỏ.

Dư luận cử tri đặt câu hỏi: Tại sao QH nói nhiều, Chính phủ đã có chủ trương, có giải pháp, có chỉ đạo kiên quyết nhưng kết quả chuyển biến chậm? “Phải chăng là chúng ta không đồng bộ trong tổ chức thực hiện? Nói đến người khác, nói đến chỗ khác thì kiên quyết còn đến mình thì im lặng? Phải chăng kiểm tra, chấn chỉnh không kịp thời, xử lý không nghiêm minh, có sự cả nể hoặc có quan hệ lợi ích? Tôi đề nghị cần có nghiên cứu cụ thể, làm rõ để có giải pháp thực hiện kiên quyết hơn” - ông Tiến tâm tư.

QH thảo luận về kinh tế-xã hội: Lo ngại nhóm lợi ích chi phối nền kinh tế ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Vũ Công Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng cho rằng Chính phủ cần minh bạch và công khai hơn nữa để nhanh chóng khôi phục niềm tin. “Tôi muốn đề cập đến một tình hình khác đáng lo ngại hơn nhưng lại đang diễn biến trong nền kinh tế. Đó là không khí im lặng, dò xét và tâm thế ngồi yên chờ thời trong không ít DN. Đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành. Đó còn là sự lo ngại, ngao ngán về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích” - ông nói.

Tái cơ cấu chậm do lợi ích nhóm

Cũng theo ĐB Hà Sỹ Đồng, điều quan trọng hiện nay không phải là cố gắng tạo ra tăng trưởng cao mà phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô để thực hiện tái cơ cấu (TCC) và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu phát triển. “Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề án tổng thể TCC kinh tế sẽ khó triển khai thực hiện thành công. Vậy vướng mắc đang nằm ở đâu?” - ĐB Đồng đặt vấn đề.

Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chi phối của các nhóm lợi ích. “Tháng 11-2012, báo cáo QH về việc thực hiện đề án tổng thể TCC kinh tế, Chính phủ có nêu một trong bốn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đó là hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng vì quyền lợi cá nhân một số cổ đông lớn của các NHTM cổ phần yếu kém, thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN. Đến nay thay vì báo cáo kết quả giải quyết vướng mắc này, NHNN vẫn báo cáo rằng đây là một trong các nguyên nhân khiến cho quá trình TCC lại NHTM cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến mà không nêu được hướng xử lý và khả năng xử lý”.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân của bộ, ngành liên quan việc triển khai thực hiện đề án TCC nền kinh tế. Trong đó, cần quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý nhà nước, phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân ở các cấp, các ngành để thực hiện ba đột phá chiến lược trong năm 2013, không để lợi ích nhóm chi phối.

QH thảo luận về kinh tế-xã hội: Lo ngại nhóm lợi ích chi phối nền kinh tế ảnh 2
QH thảo luận về kinh tế-xã hội: Lo ngại nhóm lợi ích chi phối nền kinh tế ảnh 3
QH thảo luận về kinh tế-xã hội: Lo ngại nhóm lợi ích chi phối nền kinh tế ảnh 4

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm