Quốc hội bầu cử lãnh đạo cấp cao: Tiến tới hai, ba ứng viên chọn một

Tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, giới truyền thông đặt câu hỏi về việc có hay không số dư ứng viên khi bầu các chức danh chủ chốt của bộ máy Nhà nước?

Trên thực tế, các chức danh chủ tịch QH, Chủ tịch nước đã được giới thiệu với chỉ một ứng viên duy nhất. Tuy nhiên, một chút bất ngờ đã xuất hiện ở ngày thứ ba của kỳ họp thứ nhất. Thay vì bầu 13 ứng viên cho 13 ghế ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV), QH đã quyết định danh sách ứng cử 14 người. Sự xuất hiện ứng viên mới này được người điều hành cuộc bỏ phiếu chiều 23-7, Tổng Bí thư - Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng nhận xét là làm cho cuộc bầu cử tại QH thêm tính dân chủ.

Sự kiện 1988

QH từng vài lần bầu cử có “số dư” như vậy. Âm vang nhất, như nhận xét của ông Vũ Mão, Ủy viên Trung ương từ khóa VI đến IX, Ủy viên UBTVQH khóa VIII-XI, là lần bầu chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) năm 1988, sau khi Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng mất đột ngột. Bộ Chính trị lúc ấy chọn ông Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư. Nhưng khi QH thảo luận, nhiều đoàn đại biểu (ĐB) QH đề cử thêm ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đang quyền chủ tịch HĐBT. Một số đoàn khác đề cử ông Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Cơ Thạch - đang là phó chủ tịch HĐBT.

Ba người được đề cử bổ sung đều xin rút nhưng Bộ Chính trị, dưới sự điều hành của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, quyết định để hai ứng viên: Đỗ Mười, Sáu Dân. QH bỏ phiếu, ông Đỗ Mười được 63%, ông Sáu Dân được 37%. Các ĐBQH rất mừng vì lần đầu tiên có việc hai ứng viên cho chức danh đứng đầu Chính phủ như thế. Đây cũng là lần đầu tiên một nước XHCN bầu cử có số dư.

Quốc hội bầu cử lãnh đạo cấp cao: Tiến tới hai, ba ứng viên chọn một ảnh 1

Đại biểu QH bỏ phiếu bầu chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH và các ủy viên UBTVQH khóa XIII chiều 23-7. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Có được cuộc bầu cử bất ngờ với hai ứng viên ấy, ông Vũ Mão cho rằng là do không khí dân chủ của Đại hội VI mới trước đó hơn một năm và vai trò thủ lĩnh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Thêm vài tình huống bất ngờ

Tới QH khóa X, kỳ họp đầu tiên năm 1997 xuất hiện tình huống bầu có số dư nhưng ở vị trí thấp hơn - chủ nhiệm ủy ban thuộc QH. Khóa ấy, ông Vũ Đức Khiển được Đảng tiến cử QH bầu làm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Bà Ngô Bá Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa VIII, tới khóa này đăng ký tự ứng cử. Bà nói: “Tôi tự ứng cử để mọi người biết QH ta dân chủ”. Kết quả, ông Khiển trúng cử với số phiếu cao.

Đáng lưu ý là thử nghiệm mở rộng dân chủ trong bầu cử tại QH khóa XI, dưới thời ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch. Cuối năm 2005, Luật Kiểm toán chuẩn bị có hiệu lực. Kiểm toán Nhà nước đang là cơ quan thuộc Chính phủ, trở thành cơ quan độc lập, tổng kiểm toán do QH bầu.

Quá trình chuẩn bị nhân sự cân nhắc hai ứng viên là ông Trần Văn Tá, lúc đó là thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm phó trưởng ban Kinh tế Trung ương và ông Vương Đình Huệ. Thay vì giới thiệu ra QH một ứng viên duy nhất, UBTV trình QH cả hai phương án nhưng trong tờ trình vẫn nói rõ nghiêng về đề cử ông Tá, người có bề dày kinh nghiệm. Ông Huệ, trẻ hơn 10 tuổi, được coi là phương án dự trữ.

Kết quả bỏ phiếu sau đó, hơn phiếu ông Tá một chút nhưng ông Huệ cũng không đạt quá bán. Phải nửa năm sau, sau khi trúng cử ủy viên Trung ương tại Đại hội X, ông Huệ mới được QH bầu làm tổng kiểm toán, trong cuộc bầu chọn không có số dư.

Cây dân chủ cần được vun xới

Theo ông Vũ Mão, sự kiện 1988 được QH hoan nghênh, người dân vui mừng, song về mặt công tác nhân sự chỉ được coi là “tình huống bất ngờ”. Và các trường hợp bất ngờ xuất hiện ở những khóa QH sau đó cũng chỉ được xử lý mang tính tình huống. “Nếu thực sự có chuẩn bị, thực sự dân chủ thì ở lần bầu tổng kiểm toán, tờ trình không nên thiên lệch ứng viên nào mà phải yêu cầu hai ứng viên trình bày chương trình hành động để đại biểu có thêm cơ sở phân tích, chọn lựa. Như thế chắc sẽ có người trúng...!” - ông Mão góp ý.

Còn theo ông Vũ Đức Khiển, việc ít xảy ra tình huống “hai, ba chọn một” còn do quy trình thảo luận nhân sự ở QH rất chặt chẽ, khép kín. Việc nghiên cứu hồ sơ và thảo luận nhân sự chỉ được tiến hành ở phạm vi đoàn ĐBQH chứ không trong phiên họp toàn thể 500 ĐBQH như với dự án luật. Vì vậy, những ý kiến đánh giá, nhận xét về năng lực chuyên môn, đạo đức, trình độ, tuổi tác, sức khỏe... của ứng viên không thể lan tỏa.

Ngoài ra, với quy trình này, ứng viên được các đoàn ĐBQH đề cử bổ sung không có nhiều thuận lợi như ứng viên được Đảng tiến cử. Như buổi bầu cử vừa diễn ra, hồ sơ của ứng viên Bùi Văn Cường được gửi tới tất cả 500 ĐBQH nghiên cứu trước, còn ứng viên bổ sung Nguyễn Văn Phúc chỉ được xướng tên sát thời điểm bỏ phiếu...

Kết luận lại, ông Vũ Mão nhận xét đổi mới kinh tế 25 năm qua đã có những bước tiến dài. Nhưng để thành quả vững chắc thì cần có những đổi mới chính trị sâu rộng, mà mấu chốt là công tác nhân sự của Đảng.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm