NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Quốc hội chỉ nên giám sát ở tầng cao nhất

Sáng 9-4, hội thảo khoa học “Những nội dung cần được sửa đổi, bổ sung về chế độ kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1992” do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tiếp tục làm việc. Các chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề còn bất cập trong bản Hiến pháp hiện hành để từ đó gợi mở những hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp 1992 trong thời gian tới.

Không nên giám sát hoạt động tư pháp

GS-TS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu Lập pháp, cho rằng việc Hiến pháp 1992 trao cho “QH thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” là không khả thi. Bởi vì QH nước ta phần đông là đại biểu không chuyên trách nên giám sát tất cả là không thể. Hơn nữa, hiện Nhà nước ta tổ chức theo nguyên tắc thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; không theo nguyên tắc tập quyền như trước đây nên không thể “giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động” như trước kia được.

“Theo tôi, QH chỉ nên tập trung giám sát hoạt động của hành pháp mà không nên giám sát hoạt động của tư pháp. Bởi vì TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nên phải để họ đảm bảo tính độc lập theo cơ chế và thủ tục tư pháp. Đồng thời, khi giám sát hoạt động của hành pháp thì QH cũng chỉ nên tập trung giám sát việc thu chi ngân sách mà thôi chứ không nên giám sát hoạt động lập quy của hành pháp vì không phù hợp với tính chất, quy trình thủ tục hoạt động của QH. Cạnh đó, giám sát tối cao phải được hiểu theo nghĩa chỉ nên giám sát ở tầng cao nhất mà thôi. Đó là những cơ quan do QH thành lập và những cá nhân do QH phê chuẩn” - GS-TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Quốc hội chỉ nên giám sát ở tầng cao nhất ảnh 1

Theo GS-TSKH Đào Trí Úc, cử tri và nhân dân ít biết được việc làm của người mà mình sẽ bầu làm đại diện để sau này đối chiếu, kiểm tra quá trình thực hiện. Trong ảnh: Cử tri đi bầu Quốc hội khóa XII năm 2007. Ảnh: HTD

Ghi nhận nhưng chưa đi tới cùng

Theo GS-TSKH Đào Trí Úc (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hiến pháp 1992 khẳng định và ghi nhận quyền lực tối cao của nhân dân nhưng không ghi nhận quyền lập hiến của nhân dân, do đó đã không đi đến cùng quan điểm chính trị nhất quán đó về quyền lực nhân dân. Có thể nói, do sự thiếu nhất quán này mà ngay cả văn bản pháp lý cao nhất (hiến pháp) cũng đang tồn tại những bất cập.

Các cơ chế giám sát mang ý nghĩa của nhân dân chưa được thực hiện trên thực tế như trưng cầu ý dân về hiến pháp và những vấn đề hệ trọng của đất nước. Việc cử tri bãi miễn đại biểu QH và HĐND cũng chưa được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ của QH và HĐND địa phương. Cụ thể, trong hai khóa IX và X của QH nước ta xảy ra bốn trường hợp bãi nhiệm đại biểu QH nhưng các trường hợp đó đều do QH bãi nhiệm chứ không phải do cử tri bãi nhiệm.

Cũng theo GS-TSKH Đào Trí Úc, chế độ bầu cử ở nước ta cũng chưa phản ánh được sức nặng kiểm soát quyền lực của nhân dân. Các ứng cử viên đại biểu phần lớn thông qua chỉ định của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; mặt khác chưa có vận động bầu cử sâu rộng nên cử tri và nhân dân ít biết được việc làm của người mà mình sẽ bầu làm đại diện để sau này đối chiếu, kiểm tra quá trình thực hiện.

GS-TSKH Đào Trí Úc kết luận: “Như vậy, trên thực tế, chúng ta đã chuyển từ quyền của nhân dân sang quyền của QH. Nói khác đi, chúng ta đã đặt hy vọng vào chế độ dân chủ đại diện với quan niệm Nhà nước có thể thay mặt được nhân dân thực hiện quyền lực của họ”.

Nên nghiên cứu việc nhất thể hóa

Nếu khả năng nhất thể hóa chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư trở thành hiện thực để người đứng đầu Nhà nước đồng thời là người đứng đầu Đảng cầm quyền thì tất yếu cần có những điều chỉnh nhất định về phương diện hiến pháp. Sự nhất thể hóa chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư không chỉ xuất phát từ các mục tiêu đối ngoại trong hợp tác quốc tế mà quan trọng hơn là do sự đòi hỏi của việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đồng thời tăng cường khẳng định tính chính đáng của vai trò cầm quyền của Đảng, góp phần làm gọn nhẹ bộ máy Đảng và bộ máy nhà nước.

PGS-TS LÊ MINH THÔNG, Ban Tổ chức Trung ương

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm