Kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946 – 6-1-2021)

Quốc hội chuyển biến mạnh mẽ từ 'tham luận' sang 'tranh luận'

Chiều tối 6-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tổ chức cuộc gặp mặt các thế hệ đại biểu QH nhân kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946 – 6-1-2021). Tham dự buổi họp mặt có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự buổi gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội nhân kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên. Ảnh: HOÀNG HẢI

Ngày đi vào lịch sử dân tộc

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đúng ngày này cách đây 75 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, toàn thể nhân dân ta trên mọi miền Tổ quốc, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã hoàn toàn thắng lợi, đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam: Từ thân phận nô lệ, đứng lên giành độc lập, làm chủ vận mệnh quốc gia, tự tổ chức ra nhà nước của mình - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Suốt chặng đường 75 năm phát triển, QH đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, QH đều hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam…

“14 khóa QH là một quá trình liên tục, kế thừa và phát triển, không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng” - bà Ngân nói.

Cũng theo Chủ tịch QH, kế thừa truyền thống của 13 khóa QH, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, QH khóa XIV đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng đến ngoại giao nghị viện, đóng góp quan trọng vào những thành tựu lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 35 năm đổi mới.

QH khóa XIV chú trọng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch... QH khóa XIV cũng tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng; đồng thời đi sâu vào nhiều vấn đề lớn, gai góc, bất cập, bao trùm các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

“Phương thức hoạt động của QH cũng có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ QH “tham luận” sang QH “tranh luận”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của QH” - Chủ tịch QH cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: HOÀNG HẢI

Tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động của Quốc hội

Theo bà Ngân, những thành tựu to lớn cùng với truyền thống quý báu của chặng đường 75 năm qua sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để QH khóa XV và QH các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hiến định, luật định.

Đặc biệt là những bài học xuyên suốt, cốt lõi, còn nguyên giá trị, mang tính thời đại về sức mạnh đoàn kết; tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nắm chắc lý luận, bám sát thực tiễn, “biến nguy thành cơ”...

Bà Ngân khẳng định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước nói chung và của QH nói riêng là rất nặng nề. Điều này đòi hỏi hoạt động của QH cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế

Sau cùng, bà Ngân bày tỏ sự tin tưởng rằng QH sẽ tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

“QH sẽ phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc” - bà Ngân khẳng định.

 

Trao tặng huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 17 lãnh đạo
Quốc hội

Cũng nhân dịp này, chiều 6-1, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương, đã trao tặng huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng; các Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ và 12 cá nhân là thành viên Đảng đoàn QH, ủy viên Ủy ban Thường vụ QH.

Việc này nhằm ghi nhận thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Thay mặt cho những cá nhân được trao tặng huân chương, Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng chia sẻ đây không chỉ là vinh dự, niềm tự hào của cá nhân mà còn là vinh dự, niềm tự hào của QH Việt Nam. Việc trao tặng các danh hiệu cao quý là sự ghi nhận xứng đáng sự đóng góp của các đại biểu QH trong quá trình hoạt động.

Phó Chủ tịch thường trực QH khẳng định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng của QH, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm