Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí: Được đăng thông tin nghi vấn

Ngày 2-12, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã ký ban hành Quyết định 52/2008/QĐ-BTTT về quy chế xác định nguồn tin trên báo chí. Để làm rõ hơn những nội dung quy chế này, PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng ông Lưu Đình Phúc - Trưởng phòng Pháp luật chính sách, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh).

Có thể không nêu danh tính nguồn tin

. Thưa ông, việc ban hành quy chế xác định nguồn tin trên báo chí nhằm mục đích gì?

Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí: Được đăng thông tin nghi vấn ảnh 1+ Luật Báo chí và Nghị định 51/CP hướng dẫn thi hành luật đã có quy định về việc đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí; quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí; về trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan báo chí đối với thông tin được đăng, phát trên báo chí của mình.

Quy chế này cụ thể hóa những quy định của luật và nghị định nhằm hướng dẫn cơ quan báo chí, nhà báo khi khai thác, xác minh, chọn lựa thông tin đăng, phát trên báo chí phải theo một quy chuẩn chung. Quy chế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đảm bảo tính chính xác, chân thực của thông tin báo chí và tạo hành lang pháp lý rõ ràng để báo chí tác nghiệp thuận lợi.

. Theo quy chế này thì cơ quan báo chí buộc phải viện dẫn nguồn tin (cá nhân, tổ chức, cơ quan nào cung cấp) khi đăng tải. Điều đó có thể khiến báo chí không có cơ hội tiếp cận những thông tin có giá trị khi nguồn tin không muốn công khai danh tính?

+ Điều 2 của quy chế quy định khá rõ ràng. Thứ nhất là cơ quan báo chí, nhà báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Thứ hai là việc đăng, phát thông tin đó phải thể hiện rõ nguồn tin.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng cách viện dẫn tên nguồn tin được thể hiện ở hai dạng: Thứ nhất, đối với những thông tin có thể công khai nguồn, ví dụ thông tin từ các cuộc họp báo công khai hoặc những thông tin mà cơ quan báo chí xác định là không có hại tới người cung cấp thông tin nếu tiết lộ tên người đó thì cơ quan báo chí có thể thể hiện rõ, ví dụ: “Theo cơ quan X, cơ quan Y” hoặc “Theo cá nhân X, theo cá nhân Y”. Thứ hai, những thông tin mà nguồn cung cấp không muốn công khai hoặc giấu danh tính thì cơ quan báo chí có quyền không ghi rõ tên cơ quan hoặc tên cá nhân, chỉ cần viện dẫn là “Theo nguồn tin riêng của phóng viên” hoặc “Theo nguồn tin riêng của báo”.

Tóm lại, nguồn tin mà cơ quan báo chí viện dẫn phải có thật, nghĩa là có người cung cấp thông tin cho báo chí, còn danh tính người cung cấp thông tin thì cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ. Vậy thì không thể nói là báo chí không có cơ hội tiếp cận những thông tin có giá trị mà trái lại, ở một khía cạnh khác, quy chế còn điều chỉnh việc cơ quan báo chí sử dụng thông tin do người dân cung cấp vào đúng mục đích, chính xác.

Nguồn tin sai, báo liên đới chịu trách nhiệm

. Trong trường hợp báo chí viện dẫn nguồn tin nhưng nội dung thông tin được cung cấp không đúng hoặc chỉ đúng một phần so với kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng thì báo chí chịu trách nhiệm đến đâu, người cung cấp thông tin chịu trách nhiệm đến đâu?

+ Thực tế, việc cơ quan báo chí đăng thông tin không chính xác vì nội dung thông tin mà cơ quan báo chí được cung cấp không đúng hoặc chỉ đúng một phần không phải là chuyện hiếm. Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí đã quy định rõ người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí, trong đó bao gồm trách nhiệm về nội dung đăng, phát trên cơ quan báo chí mình. Ngoài ra, báo chí lấy thông tin từ tổ chức hoặc từ người phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước thì theo quy định tại Điều 7 Luật Báo chí, Điều 5 Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì tổ chức và người phát ngôn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.

Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là dù chủ thể cung cấp thông tin cho báo chí là ai thì trách nhiệm của báo chí là phải kiểm tra, xác minh để đảm bảo tính chính xác, khách quan của nội dung nguồn tin.

Được đăng nghi vấn có cơ sở

. Thưa ông, báo chí có được đăng thông tin nghi vấn không, chẳng hạn như đăng nội dung đơn, thư tố cáo để đề nghị cơ quan chức năng làm sáng rõ?

+ Điều 3 của quy chế này quy định các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã đăng, phát. Tôi cho rằng quy định như vậy là tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp.

Theo quy định thì báo chí có thể chuyển khiếu nại, tố cáo của người dân đến cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu phải giải quyết và có trả lời cho báo chí. Nhưng mặt khác, báo chí cũng có thể đăng thông tin ban đầu về vụ việc nếu có căn cứ xác đáng. Đơn cử trường hợp ông Đinh Đình Phú gửi đơn thư cho báo chí tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai của một số quan chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Căn cứ thông tin đó, một số tờ báo, trong đó có Pháp Luật TP.HCM đã xác minh, quyết định phản ánh thông tin ban đầu và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Kết quả là một vụ tham nhũng đất đai lớn đã bị phanh phui. Từ kinh nghiệm vụ việc này thấy rằng nếu chỉ căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo mà đăng, phát ngay thông tin trên báo chí thì e là không ổn. Với những thông tin ban đầu, còn nhiều nghi vấn thì cần có sự thẩm tra kỹ lưỡng trước khi đăng, phát trên báo chí. Đây không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

. Theo ông, đối với các vụ án đang điều tra, các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nhưng chưa được cơ quan chức năng kết luận thì báo chí phải đưa tin như thế nào để vừa đảm bảo an toàn, vừa thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc, tạo động lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng?

+ Với những vụ việc như vậy, khi cơ quan chức năng chưa kết luận thì báo chí có thể phản ánh diễn biến vụ việc theo thông tin được phép công bố từ cơ quan chức năng hoặc có quyền thông tin theo nguồn tài liệu của mình.

Theo tôi, để tăng cường tính chiến đấu và tạo động lực cho báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chính báo chí cũng phải nỗ lực, biết tận dụng những điều kiện thuận lợi mà luật pháp đã quy định về hoạt động tác nghiệp của mình. Ví dụ như tại khoản 3 Điều 86 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Hay Điều 7 của Luật Báo chí quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

. Xin cảm ơn ông.

LÊ KIÊN - PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm