Quy định mới làm khó kinh doanh vận tải

Từ ngày 8-8, Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về “tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô” chính thức có hiệu lực. Sau hơn một tuần thực hiện, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp (DN) vận tải chưa đồng thuận với thông tư này.

Hành khách mất quyền

Theo thông tư, nhà xe (chủ, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe) phải đón hành khách tại bến xe nơi đi, trả khách tại bến xe nơi đến, không đón trả hành khách dọc đường. Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho rằng không cho phép xe dừng đón trả khách giữa đường là để đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, cũng là để tạo cho người dân thói quen vào bến mua vé, không bắt xe dọc đường.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thắng, quy định như trên là cứng nhắc. Khách có thể lên xe tại bến nhưng có thể xuống xe nơi mình cần trên dọc tuyến chứ không nhất thiết phải vào bến mới được xuống. Ví dụ khách đi xe tuyến Vũng Tàu nhưng họ có quyền xuống xe tại Bà Rịa chứ không thể buộc phải vào bến Vũng Tàu rồi đón xe đi ngược lại Bà Rịa.

Theo thông tư, 30 phút trước giờ xe khởi hành, khách có quyền từ chối chuyến đi, trả lại vé và doanh nghiệp phải trả lại 70% tiền vé cho khách. Đây là điểm mới trong quy định kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong khi ngành hàng không và đường sắt đã quy định và thực hiện từ lâu.

Quy định mới làm khó kinh doanh vận tải ảnh 1

Với các quy định mới tại Thông tư 14, hành khách mất quyền tự do đi lại rất nhiều. Ảnh: LĐ

Tuy nhiên, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết trên thực tế, từ lâu các hãng xe đã thực hiện việc trả lại 90% giá trị tiền vé. Thành thử, nay nếu hoàn trả tiền vé theo thông tư thì phần thiệt thòi thuộc về hành khách.

“Đẻ” thủ tục

Khác với trước đây, Thông tư 14 quy định: Trên sổ nhật trình, ngoài chứng nhận của hai đầu bến đi và đến phải có chữ ký xác nhận của đại diện DN và đóng dấu. Theo nhiều DN vận tải, quy định này là làm khó cho họ. Vì lẽ DN không thể cử thêm người trực ở các bến xe và kè kè con dấu bên mình để đóng dấu cho từng chuyến xe xuất bến. Mặt khác, có DN chạy xe ở hai, ba bến thì không thể “nặn” ra hai, ba con dấu để đóng.

Chưa kể, con dấu luôn phải để ở trụ sở của DN theo quy định và còn để dùng vào nhiều việc khác nên không thể đem ra “trực” ở các bến được. Còn bắt tài xế trước khi xuất bến phải chạy về trụ sở DN đóng dấu thì quá khó. Với quy định cứng nhắc như trên thì DN chỉ còn cách là đóng dấu khống vào các trang của sổ nhật trình.  

Lớn quyền nhưng không thực

Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, cơ quan quản lý tuyến (Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc các sở GTVT) có nhiệm vụ: Theo dõi, tổng hợp lưu lượng và nhu cầu hành khách đi lại trên tuyến, tình hình hoạt động của các DN hoạt động trên tuyến, xây dựng quy hoạch mạng lưới và công bố mở tuyến…

Thế nhưng Thông tư 14 lại quy định thêm các quyền cho cơ quan quản lý tuyến như công bố thời gian biểu chạy xe; điều chỉnh biểu đồ giờ, số lượng xe chạy trên tuyến của các DN; các DN phải tuân thủ thời gian biểu chạy xe do cơ quan quản lý tuyến ban hành… Các DN băn khoăn: với những nội dung trên, cơ quan quản lý nhà nước về tuyến xem như lấn và làm thay việc điều hành kinh doanh của DN trong khi các cơ quan này không thể thực thi các quyền được trao như trên. Ví dụ, Sở GTVT không thể nắm chi li được sự tăng, giảm lượng hành khách ở từng thời điểm bình thường hoặc lễ, tết để có sự phản ứng, điều độ kịp thời lượng xe, thay đổi biểu đồ giờ chạy xe trên từng tuyến… Những biến động của thị trường như thế chỉ có DN bến và DN vận tải nắm sát và điều chỉnh, điều độ kịp thời.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm